“Hy vọng Nghị quyết này có thể giải tỏa được tất cả những vấn đề nóng của tổ chức tín dụng trong 4 năm qua từ thực tế điều hành nền kinh tế đất nước. Từ đó, làm lành mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần giảm lãi suất cho vay…”, ông Kiên nói.

Sắp ban hành cơ chế riêng để xử lý nợ xấu - Hình 1

Ảnh minh họa

Báo cáo trước Quốc hội chiều ngày 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, trong 4 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 611.590 tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các tổ chức tín dụng xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

“Nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm

Mặc dù cho rằng, hệ thống pháp luật ngân hàng đã tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động ngân hàng, nhưng ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cũng thừa nhận, các bất cập của hệ thống pháp luật và các vướng mắc nảy sinh trong việc thi hành các quy định pháp luật làm cho cơ chế bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng hoạt động kém hiệu quả, hệ thống cưỡng chế thi hành các thỏa thuận, hợp đồng không được xây dựng, vận hành có hiệu quả, chưa là chỗ dựa tin cậy cho các bên liên quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

PV