Xuất phát từ niềm đam mê những câu then, ông Hoàng Kim Sinh quyết tâm làm ra cây đàn tính đầu tay của mình để thỏa mãn niềm đam mê, tình yêu với câu then, đàn tính tẩu. Lúc đầu bắt tay vào làm cây đàn đầu tiên của mình ông đã gặp không ít những khó khăn. Để có được quả bầu để làm đàn tính, ông đã lặn lội sang Lào Cai để xin giống cây về trồng. Sau bao nhiêu công vất vả, khó nhọc, đúc rút kinh nghiệm, ông đã trồng thành công quả bầu đàn tính.  Người giữ “hồn” cho những câu hát then của người Tày, Hà Giang - Hình 1

Nghệ nhân Hoàng Kim Sinh đang mải miết hoàn thiện chiếc đàn tính

Ông Sinh cho biết: để làm ra một cây đàn tính mất đến 5, 6 ngày nhưng ít người biết phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp mới tạo ra được cây đàn tính. Đàn tính thuộc họ dây, chỉ gẩy, gồm các bộ phận chính: Bầu, cần, mặt, thủ và dây đàn. Một quả bầu tốt để làm đàn phải là quả bầu nậm già, không bị sâu, miệng phải tròn. Quả bầu nằm dưới bàn tay của ông được đo, cắt cho vừa vặn sau đó đục lỗ cho bầu đàn. Xung quanh quả bầu được chia thành các điểm để dùi lỗ với kích thước bằng nhau giúp tạo âm cho đàn. Tiếp đến, ông đục thêm lỗ để gắn cần đàn vào bầu đàn và phải chọn đúng vị trí để quả bầu cân với mặt đàn. Mặt đàn cung được chế tác rất cầu kỳ, ông cho biết loại gỗ để làm mặt đàn cũng là loại gỗ rất chuyên dụng để tạo nên tiếng vang cho cây đàn. Cần đàn cũng không ngoại lệ, là loại gỗ mịn, ít vân, mắt, để cây đàn dùng được lâu mà cần không bị cong vênh, đồng thời trên cần đàn, ông tỉ mỉ chạm khắc với những hoa văn riêng của mình.

Cây đàn tính của ông Sinh khi làm ra có âm sắc chuẩn, không chỉ nhiều khách hàng trong huyện, trong tỉnh biết đến mà còn nhiều khách hàng ngoài tỉnh như Cao Bằng, Tuyên Quang đặt hàng. Hơn nữa, để cho nghề chế tác đàn tính của mình không bị mai một, người dân trong thôn cũng như người đam mê với làn điệu then, tiếng đàn tính khi tìm đến với ông đều được ông tận tình chỉ bảo, với mong muốn làn điệu then cổ không bị mai một và sản phẩm của ông ngày càng được nhiều người biết đến. Ông chia sẻ: “Hát Then là một nét văn hoá độc đáo và rất riêng của người Tày. Họ hát Then để cầu chúc cho nhau sự an khang, mùa màng tốt tươi, để trao gửi tâm tình, để cầu chúc cho nhau mọi điều tốt lành trong cuộc sống”.Người giữ “hồn” cho những câu hát then của người Tày, Hà Giang - Hình 2

Nghệ nhân Hoàng Kim Sinh trò chuyện về nghệ thuật hát then cùng phóng viên

Cây đàn tính là vật dụng không thể thiếu trong các làn điệu then, trong các lễ hội, hoạt động truyền thống văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Đàn tính, hát then góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Tày. Năm 2015, ông và anh trai là nghệ nhân Hoàng Đức Sụng đã đạt giải B, Liên hoan nghệ thuật hát then – đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái, được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Ông Hoàng Kim Sinh xứng đáng là người giữ “hồn” cho niềm đam mê hát then dân tộc Tày, thúc đẩy các giá trị văn hóa dân gian, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày một phát triển.

Tới đây tại tỉnh Hà Giang sẽ diễn ra Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI,. Sự kiện sẽ diễn ra trong 02 ngày 13 và 14/5. Lễ khai mạc vào 20 giờ ngày 13/5/2018, tại sân Quảng trường 26/3 thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Liên hoan có sự tham gia của 16 tỉnh, thành phố đông đồng bào dân tộc Tày – Nùng - Thái sinh sống, có loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh.

T/h: Hoàng Cừ (TTXVN Tại Hà Giang)