Siêu bão Yagi dự kiến đêm nay vào vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa to và giông lốc ở miền Bắc. Lo ngại bão ảnh hưởng kéo dài, người dân ở nhiều nơi tìm đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ nhu yếu phẩm.
Tại một số siêu thị lớn như Big C, Winmart, lượng khách mua hàng tăng đột biến khiến một số thời điểm, kệ hàng rau thịt hết hàng.
Tại siêu thị WinMart Đại La, Hà Nội cũng có rất đông người dân tới mua sắm. Đông nhất là khu vực bán thịt và rau củ quả, nhiều thời điểm khu vực này quá tải. Nhân viên phục vụ tại đây cho biết lượng người tới siêu thị để mua sắm tăng mạnh từ tối qua, buộc nhân viên phải tăng ca làm việc liên tục.
Các siêu thị cũng ở trong trạng thái cháy hàng, thậm chí nhiều người còn ví von là bị "quét sạch" nhanh hơn thời đại dịch COVID-19. Tại một cửa hàng tiện lợi Winmart khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai), lúc 10h, nhiều quầy hàng đã rỗng hàng, thậm chí có quầy không còn một món đồ để bán. Quầy hàng thực phẩm tại Winmart Linh Đàm cạn hàng lúc 10h sáng 6/9...
Tại siêu thị BigC (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), khách vẫn kéo đến đông đúc, quầy nào cũng chật kín khách.
Tại hệ thống siêu thị AEON,… lượng khách bắt đầu đổ dồn về đây mua các loại lương thực, thực phẩm từ tối qua. Ngay lập tức, khu vực quầy kệ bày bán thịt lợn, rau xanh của nhiều siêu thị đã trống trơn.
Để bảo đảm cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng hóa, nhất là các loại nhu yếu phẩm cần thiết, với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Sở Công Thương sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng, hỗ trợ người dân các địa phương trong trường hợp xảy ra mưa lũ, chia cắt.
Đại diện chuỗi siêu thị Winmart/Winmart+ cho biết trong sáng 6/9, các siêu thị, cửa hàng thuộc hệ thống ghi nhận các mặt hàng có sức mua tăng cao như thực phẩm tươi sống, rau củ có xu hướng lưu trữ lâu như bầu, bí hay các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, mì gói…Riêng tại siêu thị WinMart Thăng Long, lượng hàng nhập về tăng 200-300%, lượng khách đến siêu thị mua sắm sáng 6/9 tăng 300% so với ngày thường.
Saigon Co.op (chủ hệ thống Co.opmart) cho biết cách đây 2 ngày, khi tiếp nhận thông tin dự báo thời tiết, các hệ thống siêu thị phía Bắc đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường. Nhiều mặt hàng thiết yếu được tăng cường dự trữ bao gồm rau xanh, củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn, bột ngọt ….
Tương tự, hệ thống MM Mega Market tăng cường dự trữ số lượng lớn hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nước uống, nhiên liệu, các sản phẩm y tế và vật dụng sinh hoạt hàng ngày để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trước, trong và sau bão.
Hệ thống siêu thị này đồng thời hợp tác với các nhà cung cấp bảo đảm sự liên lạc và sẵn sàng cung cấp từ phía các nhà cung cấp và nhà phân phối, đặc biệt là trong thời gian khan hiếm hàng hóa. Cùng với đó là tăng cường chuỗi cung ứng liền mạch với hệ thống kho bãi, trạm trung chuyển và vùng nguyên liệu bền vững với các nông hộ kéo dài trên cả nước như Lâm Đồng, Đồng Bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Mộc Châu, Sơn La...
Bắt đầu từ khoảng trưa 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ tối và đêm nay, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trên đất liền, từ đêm 6/9 và gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.
Thu Trang(t/h)