Mất trắng rồi, chẳng còn gì nữa
Trung tuần giữa tháng Chín, trở lại làng hoa Mỹ Tân - làng hoa lớn nhất tỉnh Nam Định sau khi nước rút, đập vào mắt chúng tôi là một khung cảnh hoang tàn, xơ xác, mọi thứ vật dụng dưới ruộng hoa vẫn ngả nghiêng, siêu vẹo.
Không còn là “rừng” hoa thơ mộng, tuyệt đẹp như trước đây, không còn những chú ong bay ve ve ngang tai tìm đến những vườn hoa hút mật. Mà thay vào đó, là hàng nghìn vạn gốc cúc các loại bị thối lá, trơ trọi thân, đất bùn bám chặt.
Tranh thủ trời tạnh ráo, nước trong vườn rút dần, người trồng hoa ở làng hoa Mỹ Tân ra vườn thu dọn lưới đen, túi bóng nilon, khung che chắn, cột bóng điện… để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, sau khi bị thiệt hại nặng nề do mưa bão, lũ lụt.
Bị mất trắng hơn 1 mẫu hoa cúc do mưa lũ, thiệt hại gần 300 trăm triệu đồng, nỗi buồn vẫn còn đó, song ông Trần Văn Lý (thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân) vẫn cố gắng gượng dậy ra đồng vớt vát những gì còn sót lại.
“Mất trắng rồi, chẳng còn gì nữa”, ông Lý nói với chúng tôi. Hiện, ông chưa biết khôi phục sản xuất bắt đầu từ đâu, bởi mọi thứ vẫn đang rối như tơ vò.
Theo ông Lý, mặc dù cơn bão số 3 - bão Yagi gây ra mưa lớn, gió to, song không ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng, sau bão mới thật sự đáng sợ. Nước lũ chảy về, dâng lên nhanh, đã ngập toàn bộ diện tích hoa cúc của gia đình ông, khiến ông và người thân không kịp trở tay.
“Thời điểm nước lũ chưa về, dưới vườn của gia đình tôi vẫn còn hơn 1 mẫu hoa cúc giống và hoa cúc thương phẩm sắp cho thu hoạch. Trước đó 2 hôm, tôi còn thuê người phun trừ bọ trĩ hại bông, những tưởng được thu hoạch lớn, nào ngờ chỉ hơn 1 ngày sau, toàn bộ diện tích hoa đã ngập trong nước, bao nhiêu tiền của cuốn theo dòng nước lũ”, ông Lý buồn bã nói.
Theo UBND xã Mỹ Tân, mưa lớn, kết hợp với nước lũ cuồn cuộn chảy về, gây vỡ một đoạn bê bối khoảng 2m phía cuối thôn Hồng Hà 1, nước sông tràn vào ruộng vườn đang canh tác hoa của người dân thôn Hồng Hà 1, Hồng Hà 2, gây ngập trắng.
Ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho hay, do ảnh hưởng của mưa lũ, toàn xã có khoảng 230 ha trồng hoa cúc bị thiệt hại, mất trắng do mưa lũ, ước tính thiệt hại gần 800 triệu đồng/ha.
Người dân mong muốn điều gì?
Trở lại cuộc sống bình thường sau những ngày bị nước lũ nhấn chìm, chị Đặng Thị Lan (thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân) tranh thủ dọn dẹp đống hoa cúc đã thu hoạch trước đó, đang trong quá trình thối nhũn, bốc mùi vì không tiêu thụ được.
Hàng năm, gia đình chị Lan canh tác dao động từ 1,7 - 2 mẫu hoa, chủ lực là hoa cúc vàng các loại. Vụ hoa vừa rồi, gia đình chị Lan tính phương án “ăn chắc”, chủ động thu hoạch gần 7 sào hoa tươi dưới ruộng, rồi phân hoa theo từng loại, buộc gọn gàng 50 bông/bó.
Chị dự tính bán cho thương lái trước khi nước lũ dâng cao, gây ngập hoa. Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, toàn bộ hoa tươi sau khi cắt, chị chẳng bán được một bông nào, lý do trời mưa to, nước lũ chảy xiết, đò ngang không hoạt động, nên các thương lái ở các tỉnh lân cận không về thu mua được.
Hàng trăm bó hoa tươi đành phải vứt bỏ đi, chất thành đống, thối nhũn, chị Lan tiếc đứt từng khúc ruột. Bao nhiêu vốn liếng, công sức giờ đổ xuống sông, xuống biển, thua lỗ trên 300 triệu đồng.
“Nếu không thu hoạch thì toàn bộ diện tích hoa thương phẩm của gia đình tôi cũng sẽ bị nước lũ nhấn chìm, nên kiểu gì cũng bị thiệt hại”, chị Lan rầu rĩ.
Với 7 sào hoa thương phẩm, chị Lan nhẩm tính, ước tính thiệt hại khoảng 30 - 40 triệu đồng/sào. Ngoài ra, 1 mẫu cúc giống của nhà chị cũng “tan tành” theo dòng nước lũ.
Theo bà con nông dân trồng hoa ở làng hoa Mỹ Tân, do bị ngâm trong nước khoảng thời gian dài, đất trồng đã bị ngộ độc, nên phải mất gần 1 tháng nữa thì mọi người mới tái sản xuất trở lại được.
Thời điểm này, người dân đang tranh thủ dọn dẹp vườn tược, đưa máy cày xuống vườn cày lật đất, phơi ải, giúp đất được nghỉ ngơi, thải độc. Tuy nhiên, hiện tại các vườn cúc giống ở làng hoa Mỹ Tân đã bị chết hết, họ chưa biết tìm nguồn cây giống ở đâu để gieo trồng lại.
Hơn nữa, nguồn vốn tái sản xuất, kinh doanh cũng eo hẹp, bà con nông dân chưa biết xoay sở ra sao. Người trồng hoa ở làng hoa Mỹ Tân nói rằng, phải mất thời gian dài và rất lâu nữa, làng hoa mới ổn định trở lại.
Bà con nông dân ở làng hoa Mỹ Tân mong muốn các các cấp chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ kinh phí, cây giống để họ tái thiết lại làng nghề hoa tươi một thời nhộn nhịp...
Mai Chiến – Phạm Thịnh