1. Doanh nhân, nghệ nhân Nguyễn Văn PhúngDoanh nhân, nghệ nhân Nguyễn Văn Phúng

Chả phải ngẫu nhiên, mà đến tận những năm tháng cuối đời, sau khi đã trải qua bao bước thăng trầm của nghề viết, cảm được gần như tất cả những “hỉ, nộ, ái, ố” của cuộc sống vốn muôn hình, vạn trạng, Chế Lan Viên – ngọn Thi sơn của văn đàn Việt Nam mới dải một phần lòng mình qua tập thơ “Hoa trên đá”!

Đặt bút viết về anh – Nguyễn Văn Phúng, người nổi tiếng trong giới chơi cây kiểng và đá cảnh ở Nha Trang (Khánh Hòa), bất chợt tôi nghĩ tới mấy câu thơ, được coi như lời tựa của Chế Lan Viên, trong tập thơ nổi tiếng của mình:

“Và trong giấc ngủ vô tận, vô cùng của đá

Cũng vô tận đêm khuya và vô tận sao trời

Ta bản lĩnh thì đá kia bản lĩnh

Mà ta cô đơn, đá cũng hóa cô đơn”…

Vâng! Trở về với đá, hiểu và có thể đồng điệu được với đá (thứ mà dường như với nhiều người chỉ là vật vô tri, vô giác, theo cái kiểu “Hòn đá mà biết nói năng…”), là cuộc trở về với bản nguyên của thế giới, theo đúng triết lý sống của người hương Đông đó là cuộc trở về đầy trăn trở và không phải dễ dàng!!!

2. Nghệ nhân Nguyễn Văn Phúng: “Chữ “Biết” mà mình chọn là chữ mình rất tâm đắc và mình đặt nó ở vị trí trung tâm của khuôn viên này, cùng là vì lẽ đó!”.Nghệ nhân Nguyễn Văn Phúng: “Chữ “Biết” mà mình chọn là chữ mình rất tâm đắc và mình đặt nó ở vị trí trung tâm của khuôn viên này, cùng là vì lẽ đó!”.

Biết anh từ những ngày gia tài của anh chỉ là chiếc ba lô mà lỉnh kỉnh trong đó là dao, thuổng, đi lang thang khắp các ngõ ngách của rừng núi Khánh Hòa để săn tìm những gốc cây hay một hòn đá đẹp.

Hồi đó, bạn bè thường bảo anh là… “khùng”!

Anh không giận, chỉ biết lầm lũi dấn thân cùng với niềm đam mê của mình: Niềm ham mê đi tìm cái đẹp từ những gốc cây và hòn đá hoang sơ, trần trụi!  

Hỏi:

- Anh không giận khi mọi người bảo mình khùng sao?

- Giận gì, đến vợ con còn bảo mình khùng, huống chi bạn bè! Mà ngay cả bản thân mình, lúc đó cũng chả biết là mình đang tỉnh táo hay đang điên khùng nữa?!

Ánh mắt chợt chùng xuống, anh tâm sự với tôi mà như tự sự với chính mình:

“Hơn 20 năm lăn lộn với thú chơi (anh không muốn gọi những việc mình đã làm là một nghề), cũng nếm đủ mùi cay đắng rồi!

Đầu những năm 1990, Nha Trang rộ lên phong trào chơi cây kiểng và lũa đá. Thấy người ta chơi, mình cũng ngó nghiêng xem, rồi chẳng biết là mê nó từ lúc nào. Gặp ai gạ mua một gốc cây hay một hòn đá đẹp, dù trong túi không có một xu, cũng cố chạy vạy đủ kiểu mua cho bằng được, đến nỗi có lần cả nhà có mỗi chiếc xe đạp cà tàng, là phương tiện kiếm kế sinh nhai, cũng sẵn sàng bán đi.

Cũng lang thang lên rừng, xuống biển đào, bưng, bê, vác đủ cả, nhưng rốt cục sau mấy năm, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Vợ con và người thân cằn nhằn, nặng nhẹ, cứ bịt tai chịu trận, song thú chơi thì ngấm vào máu rồi, chả làm sao mà bỏ được!

Mà thật lòng nhé, mình trụ lại được nghề này và có được những gì như hôm nay, cũng là do cái máu liều ấy đấy. Khoảng những năm 1997 – 1998, tiền nhà thì không có, vậy mà dám vay cả mấy cây vàng sang tận Trung Quốc học hỏi nghề làm “giả sơn”.

Mấy công trình đá trong công viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thác nước Khu du lịch suối nước nóng Ponaga, Khu du lịch Giăng Bay, toàn bộ thác nước và những ngọn giả sơn ở Hòn Ngọc Việt hay gần đây nhất là Khu du lịch Hòn Tằm, đều là kết quả của những năm tháng tự mày mò, học hỏi cả đấy!”.

3. Đá cũng có hồn và đằng sau những viên đá tưởng như vô tri, vô giác kia lại là cả một triết lý sốngĐá cũng có hồn và đằng sau những viên đá tưởng như vô tri, vô giác kia lại là cả một triết lý sống

Tôi cắt lời và tò mò hỏi anh:

- Vậy còn vụ hoa anh đào, nghe nói để có được giống anh đào trồng ở rất nhiều nơi trong thành phố Nha Trang, anh cũng đã khổ công nhiều lắm?

Khi ấy, anh mới bĩu môi mà rằng:

- Chuyện thuần chủng cây anh đào để trồng cho sống và nở hoa thì dài lắm, lúc nào rảnh rỗi mình kể cho nghe. Chỉ biết, giờ đây đến các khu du lịch, các công viên hay đi qua mỗi góc phố có trồng anh đào ở Nha Trang, nhìn thấy những cánh hoa phớt hồng, kiêu hãnh khoe sắc vào đúng dịp Tết đến, Xuân về lòng mình cũng thấy vui!

Lại hỏi:

- Chơi cây cảnh, làm giả sơn, sưu tầm đá…, thú chơi nào anh tâm huyết nhất?

Anh trải lòng:

“Biết nói như thế nào nhỉ, mỗi cái đều mang đến cho mình những cảm nhận và sự thích thú riêng.

Tuy nhiên, thành thật mà nói, với cây cối, hoa lá và cả việc thiết kế làm các ngọn giả sơn, nếu chịu khó và giỏi nghề, nhiều người cũng có thể kinh doanh và sống tốt được.

Nhưng với đá thì chưa hẳn đâu nhé. Mình đến với đá, cố gắng sưu tầm những hòn đá đẹp (hình thù càng mộc mạc, càng tự nhiên càng tốt), trước hết là do sở thích, đam mê, hoàn toàn không tính toán đến chuyện bán chác hay kinh doanh cả.

Đi đâu thấy một dãy núi, một hòn đá đẹp, mình cứ ngơ ngẩn nhìn và cứ ước giá có thể làm một căn nhà nhỏ để được sống gần, ngày mỗi ngày lại được chạm tay vào để cảm được cái hồn của nó.

Cả khu Đào Mai Viên này, mình đầu tư xây dựng cho riêng gia đình mình cũng là vì lý do như vậy. Nằm cách Nha Trang chỉ nửa tiếng đồng hồ xe chạy, đường xá khá thuận tiện, đây sẽ là nơi đại gia đình mình thi thoảng ghé về nghỉ ngơi, thư giãn, bạn bè và mọi người ai thích, mình sẵn sàng đón tiếp.

Ở phố xá, cuộc sống lắm lúc ngột ngạt, căng thẳng, về với Đào Mai Viên, được hít thở không khí trong lành, hơn nữa được thả lòng mình vào những khối đá muôn hình, vạn trạng - với mình như thế là đủ rồi!”…

Anh dẫn tôi đi thăm Đào Mai Viên, khuôn viên bao kín cả một quả đồi. Tôi thầm khen anh quả có con mắt tinh đời, là người biết chơi và dám chơi.

Từ trên cao, phóng tầm mắt về phía tây nam là đỉnh Hòn Bà (dãy núi được mệnh danh như một Sa Pa của xứ trầm hương, thuộc địa bàn huyện Khánh Vĩnh, nằm cách khu trang viên của anh chưa đầy 10 km). Xung quanh là buôn làng, nương rẫy và ruộng vườn bát ngát của người Raglai, người Việt.

Đào Mai Viên giống như một thế giới thu nhỏ của cỏ cây, hoa và đá. Tự nhiên khéo bày vẽ, sắp đặt: Dưới những vòm cổ thụ, xen những chạc cây thân leo chằng chịt, đá đủ kích cỡ, hình thù muôn dạng.

Hòn thì hiên ngang án ngữ chính diện sườn đồi, có những hòn nằm xếp chồng như đôi uyên ương tình tứ bên nhau như muốn thể hiện sự trường cửu của một mối tình thủy chung, son sắt; lại có hòn thì sừng sững, nằm chênh vênh vươn ra khỏi sườn đồi… khiến cho ta cảm giác như đá cũng muốn thoát tục, khao khát được bay lên cùng đất trời, vũ trụ…

Ai dám bảo hòn đá không biết nói năng!!!

4. Khu trang viên có tên gọi Hoàng Hoa ThônKhu trang viên có tên gọi Hoàng Hoa Thôn

Nhìn những dòng chữ Thảo trông rất có hồn, được kỳ công tạc vào từng vách đá, tôi hỏi anh:

- Ý tưởng nào khiến cho anh có cách chơi chữ trên những hòn đá (thậm chí là cả những hòn to như quả núi) thế này?

Anh bộc bạch:

- Để đá tự nhiên cũng có cái hay, nhưng riêng ỏ Đào Mai Viên, mình muốn có một sự hiện hữu thực sự trong mối giao hòa giữa con người với đá! Đó là một cách mình chuyện trò với đá! Mình muốn đá nói hộ lòng mình, nói hộ lòng người!

Chỉ tay về một hòn đá to (có thể nói đó là hòn đá to và đẹp nhất ở đây, lại nằm ở vị trí đắc địa, án ngữ sườn đồi phía trước của Đào Mai Viên), anh giới thiệu với tôi:

“Để có được một chữ trên vách đá này, mình đã phải bỏ công suy nghĩ nhiều lắm. Riêng thợ tạc, phải mất gần cả tháng trời mới tạc xong đấy! Nhiều người đến đây, có người không hiểu, cho rằng mình thích chơi ngông, chơi trội, học vấn còn khiêm tốn, lại xính chữ Nghĩa.

Mình thì nghĩ đơn giản, mỗi người đều có một tư duy sống và cần chọn cho mình một chữ để mà cố gắng noi theo và sống theo nó. Chữ Nghĩa bình đẳng với mọi người.

Các cụ nhà ta ngày trước, nhiều người có biết đọc, biết viết gì đâu, nhưng vào những dịp trọng đại như lễ, Tết, hội hè, vẫn đến các ông đồ, ông nghè, ông cống xin chữ về treo trong nhà đấy thôi.

Chữ “Biết” mà mình chọn là chữ mình rất tâm đắc và mình đặt nó ở vị trí trung tâm của khuôn viên này, cùng là vì lẽ đó!”.

- Xin lỗi anh! Nếu có thể, anh giải thích thêm một chút về chữ “Biết” mà anh tâm đắc?... Phải chăng, nó có ý lời của cụ Khổng Tử “Không biết nói rằng không biết, ấy là người biết…”?

Anh lên tiếng, giọng thư thả:

“Không cứ là cụ Khổng mới nói vậy. Dân gian nhà ta, chẳng có câu cửa miệng “Biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe” là gì?

Nhưng với riêng mình, chữ Biết còn có một nghĩa khác đơn giản và mộc mạc hơn rất nhiều: Nếu “Biết rồi!” - cứ đi, cứ tìm hiểu, cứ sống sẽ biết hơn, biết thêm. Cũng bằng cách thức như vậy, giả như là chưa biết (anh chậm giọng nhấn mạnh), nếu lòng thành, cầu tiến, nhẫn nại, kiên trì học hỏi rồi, thì ắt sẽ đến lúc khắc Biết

Mọi thành công cũng đều bắt nguồn từ đấy! Đó là một triết lý sống rất giản dị, dân dã và cũng rất Việt Nam, mà chưa hẳn đã có nhiều người nhận ra!”.

Tôi “À!” lên thành tiếng! Ngẫu nhiên, chỉ qua một chút chuyện trò về chữ nghĩa (mặc dù chúng tôi không chủ đích và anh cũng không muốn đưa câu chuyện đến chỗ luận bàn về chữ nghĩa), tôi chợt nhận ra, ẩn đằng sau con người trông có vẻ mộc mạc, chân chất, đôi khi rất kiệm lời kia, lại là một Nguyễn Văn Phúng hoàn toàn khác, rất sắc sảo, thâm thúy và  đầy triết lý.

Nguyễn Văn Phúng nhận Bằng xác lập kỷ lục về Ly trà thảo dược lớn nhất năm 2014 (Ảnh: Vietkings)Ngệ nhân Nguyễn Văn Phúng nhận Bằng xác lập kỷ lục về Ly trà thảo dược lớn nhất năm 2014 (Ảnh: Vietkings)

Cuộc viếng thăm Đào Mai Viên còn có một phóng viên ảnh của Tạp chí Văn hóa Khánh hòa (một người bạn chung của anh và tôi). Trong câu chuyện, phóng viên này nói xen vào:

“Ông này còn có nhiều độc chiêu lắm! Dám chơi và rất chịu chơi! Bận bịu như ổng mà đánh xe đưa bọn mình đi cả ngày thế này là hiếm lắm, phải không anh Phúng?”.

Anh Phúng nở nụ cười, nụ cười thật hiền. Dí dỏm đùa lại:

“Cứ nói đến thú chơi, nhất là nói về chuyện hoa và đá, mình nói được cả đời ấy chứ phải chi là một ngày. Mà cũng đến lúc cần phải gác kiếm, dừng hết chuyện kinh doanh lại rồi, sau này, con mình muốn làm gì thì làm. Còn riêng mình, về thanh thản vui buồn với đá thế là mãn nguyện rồi”.

Quay sang tôi, anh hồ hởi:

“Ở Hà Nội, không mấy khi bạn vô Nha Trang, bữa nay khỏi nghỉ trưa luôn. Chúng mình sang Hòn Tằm (Khu du lịch trên đảo Hòn Tằm, nằm trong vịnh Nha Trang). Ra đó, bạn sẽ thấy một không gian khác hoàn toàn của đá. Mình xây dựng cả một khu trang viên có tên gọi Hoàng Hoa Thôn ngoài đấy”.

Bất chợt anh quẹo sát lề đường, dừng xe bên một bức pa nô có tấm ảnh khổ lớn chụp một thác nước quảng cáo Khu du lịch Hòn Tằm. Chỉ lên bức ảnh, anh nói:

“Đã từng làm nhiều công trình, nhưng đây là thác nước do mình làm mà mình tâm đắc nhất. Ra Hòn Tằm, bạn sẽ thấy một sự kết hợp tuyệt vời giữa đá và nước, giữa núi rừng và biển cả”.

Được anh dẫn đi thăm và giới thiệu chi tiết về từng ngôi nhà, gốc cây và những hòn đá nhỏ, to, nhiều kích cỡ mà chắc chắn anh phải rất kỳ công và tốn kém khi vượt cả chục cây số đường biển mới mang được ra đây, quả thực, tôi đã rất thích thú và quá đỗi ngạc nhiên.

Khuôn viên của anh trên đảo có lò gạch, giếng nước, cối xay, chày giã, những ngôi nhà cổ của người Việt (một trong số các ngôi nhà ở đây theo như anh nói được coi là những ngôi nhà cổ nhất còn lại ở Khánh Hòa). Nó cho ta cái cảm giác giống như ta đang trở về, sống lại tuổi thiếu thời nơi làng quê yêu dấu.

Đá hiện diện ở Hoàng Hoa Thôn không quá nhiều. Nhưng đúng như anh nói, trong không gian làng, lại lồng lộng giữa mênh mông trời biển, những viên đá được sắp đặt có chủ đích ở cổng làng, bên góc ao làng, dưới mái cong của ngôi đình làng cổ kính, đá như được thổi hồn, gần gũi và trở nên sinh động, ấm cúng lạ thường.

Anh giãi bày:

“Chơi đá và biết chơi đá, cảm nhận được cái hồn của đá là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Với mình, mình thích tìm đến cái tự nhiên, hoang sơ của đá, không đẽo gọt, càng nguyên thủy, càng tự nhiên hoang sơ càng quý và ngay cả không gian tồn tại của nó cũng vậy, cũng phải cố gắng giữ cái thuần tự nhiên, hoang sơ, nguyên thủy, lúc ấy mới dễ cảm nhận được cái hồn của đá.

Chả thế mà lúc buồn, lúc lo lắng, trăn trở về cuộc sống, công việc, cứ ngồi bên đá, chạm da thịt vào đá, mình như thấy bình tâm và thư thái hẳn ra”.

Nghe anh tâm sự, tôi như ngộ ra được thật nhiều điều từ đá, những hòn đá mà ngay chính bản thân tôi, đôi khi vẫn thường nghĩ nó thật tầm thường.

Tầm thường như đất đá, cát bụi vẫn đang hiện diện một cách quen thuộc xung quanh chúng ta.

Thì ra, đá cũng có hồn và đằng sau những viên đá tưởng như vô tri, vô giác kia lại là cả một triết lý sống!...

Câu chuyện chưa dừng lại…

Vườn hoa anh đào tại Khánh Hòa của Kỷ lục gia Nguyễn Văn PhúngVườn hoa anh đào tại Khánh Hòa của Kỷ lục gia Nguyễn Văn Phúng

Tôi được biết, là cháu con của những vị lương y nổi tiếng tại đất Thần kinh - Huế vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Nguyễn Văn Phúng thừa hưởng sự hiểu biết những gì của cha ông về các loại thảo dược có ích cho sức khỏe con người. Vì thế, anh đã ra sức trồng các loại thảo dược tại vườn nhà mình, sau đó bào chế thành công 2 loại trà thảo dược mang tên Trà thảo dược Moringa  Trà thảo dược Trầm hương.

Công dụng của 2 loại trà trên đã được Viện Nghiên cứu & ứng dụng công nghệ Nha Trang kiểm nghiệm, phân tích và cho phép sản xuất, tiêu thụ nhờ những tác dụng ưu điểm của nó.

Trước hết, Trà thảo dược Moringa: Giải độc rượu bia, bồi bổ sức khỏe, kích thích hoạt động của tim và hệ tuần hoàn, hoạt tính chống u bướu, hạ nhiệt, hạ huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan, kháng sinh, giúp ngủ ngon.

Đối với Trà thảo dược Trầm hương: Giảm stress, giúp cơ thể đào thải thủy ngân, làm trẻ hóa tế bào, giảm mỡ máu, giảm mỡ gan, phòng chống tai biến.

Ngoài ra, anh Phúng còn bào chế một số mặt hàng trà và “bột nêm xanh” khác mà công dụng đã được Viện Nghiên cứu & ứng dụng Công nghệ Nha Trang kiểm nghiệm, phân tích và cho phép sản xuất, tiêu thụ, như: 

Trà thìa canh (thành phần gồm lá thìa canh 50%, lá trầm hương, cây cúc ngọt); Bột Moringa (thành phần gồm 100% lá cây chùm ngây); Bột Sacha Inchi (thành phần 100% từ lá cây Sacha Inchi); Dầu Sacha Inchi (thành phần 100% hạt cây Sacha Inchi)…

 Doanh nhân, nghệ nhân Nguyễn Văn Phúng là tác giả của những hòn giả sơn khổng lồ, thác nước hay suối giả - một trong nhiều công trình không thể thiếu tại các khu du lịch  hay hoa viên ở nhiều tỉnh, thành phố. Nhiều năm qua, những tác phẩm của anh đã in dấu ấn tại nhiều khu du lịch trong cả nước như Bà Nà Hill, Vinpearl Land… Anh cũng là người thiết kế, chỉ đạo xây dựng các công trình đá mỹ thuật cho khách sạn Ana Mandara (Nha Trang), các khu du lịch thác Yang Bay (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), Mỹ Á (Ninh Thuận), Hòn Ngọc Việt (Vinpearl, Nha Trang)…

Ghi chép của Xuân Phương