2 năm “tích” hơn 500 viên sỏi mật

Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T.N.T (SN 1975, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi khám trong tình trạng đau nhiều hạ sườn phải. Qua thăm khám, hình ảnh siêu âm và chụp cộng hưởng từ cho thấy kích thước túi mật bệnh nhân to hơn bình thường, có nhiều sỏi tụ thành dải dài khoảng 10cm chiếm hết túi mật, ống mật chủ và ống mật ngoài gan có hiện tượng giãn nhẹ.

Chị T cho biết, 2 năm trước có đi khám và phát hiện sỏi túi mật tuy nhiên chưa điều trị gì. Cách đây 2 ngày thấy đau nhiều, các cơn đau không giảm nên chị đến Thu Cúc TCI kiểm tra.

Túi mật chị T phình to do lượng sỏi lớn tích tụ (hình ảnh đã được chỉnh màu)
Túi mật chị T phình to do lượng sỏi lớn tích tụ (hình ảnh đã được chỉnh màu).

Sau khi thăm khám, nhận thấy tình trạng sỏi mật nhiều, không thể điều trị nội khoa, bác sĩ đã chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật, loại bỏ sỏi cho chị T. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật mổ lấy sỏi theo phương pháp nội soi ngay trong ngày. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ túi mật và lấy ra số lượng sỏi mật “khủng” với khoảng 500 viên lớn nhỏ.

Bác sĩ Phí Văn Tự người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho chị T cho biết: “Đây là 1 trong những trường hợp sỏi túi mật với số lượng đặc biệt nhiều. Tuy nhiên do được can thiệp kịp thời nên chưa gây ra biến chứng nguy hiểm. Sau phẫu thuật, tình hình sức khỏe bệnh nhân ổn định. Do mổ nội soi nên bệnh nhân chỉ cần nằm viện theo dõi khoảng 3 ngày trước khi xuất viện và được kê đơn thuốc để điều trị thêm 1 tuần tại nhà.”

Hơn 500 viên sỏi lớn nhỏ trong túi mật của chị T được loại bỏ sau phẫu thuật (hình ảnh đã được chỉnh màu)
Hơn 500 viên sỏi lớn nhỏ trong túi mật của chị T được loại bỏ sau phẫu thuật (hình ảnh đã được chỉnh màu).

Chớ coi thường sỏi mật

Theo bác sĩ Tự, không phải sỏi mật nào cũng cần phẫu thuật. Có một số trường hợp sỏi mật tự hình thành và biến mất hoặc người bệnh có thể điều trị nội khoa bằng thuốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp thì sỏi mật không mất đi mà tiếp tục phát triển lên từng ngày về kích thước hoặc gia tăng về số lượng và gây tác động xấu đến cơ thể đe dọa sức khỏe người bệnh.

Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải do sỏi mật có thể kể đến như: Viêm túi mật cấp nếu không điều trị sẽ gây chứng nặng hơn như hoại tử túi mật, thủng túi mật, thậm chí dẫn đến tử vong. Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật gây nên tình trạng nhiễm trùng ổ bụng , trường hợp nặng có thể hoại tử đường mật gây viêm phúc mạc mật. Ngoài ra còn các biến chứng nguy hiểm như viêm tụy cấp rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm trùng, thậm chí có thể gây tử vong; xơ gan mật gây biến chứng xơ gan, ung thư đường mật trong gan. Hay thậm chí là người bệnh có thể bị ung thư đường mật.

Sỏi mật có thể gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách
Sỏi mật có thể gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách.

Do đó, ngay cả khi sỏi mật nhỏ, chưa cần điều trị thì người bệnh cũng cần theo dõi thường xuyên. Nếu sỏi phát triển lớn hoặc số lượng nhiều thì cần can thiệp để tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. 

Để phòng tránh sỏi mật, ngoài việc xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ lành mạnh thì  cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, kịp thời thăm khám nếu có các dấu hiệu bất thường. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp giảm thiểu các biến chứng, tránh được nguy cơ phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

PV