Là tỉnh miền núi, biên giới có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm tới 66,2%, do đó, công tác dân tộc luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng. Giai đoạn 2021 -2030, tỉnh đã quyết liệt chỉnh đạo các cấp, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực trong thực hiện mục tiêu Chiến lược công tác dân tộc.

Với mục đích thực hiện nhanh chóng, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả gắn với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số  trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, năm 2024, tỉnh Lào Cai tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, ổn định, an toàn xã hội.

Phụ nữ dân tộc Dao gìn giữ nghề thêu may trang phục truyền thống
Phụ nữ dân tộc Dao gìn giữ nghề thêu may trang phục truyền thống (Ảnh: LCĐT)

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độc ác dự án trong điểm, đồng thời chú trọng chỉ đạo thực hiện phù hợp các nhụ vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự xã hội... Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương tuyên truyền, phổ biến quán triệt triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 24 – NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về Công tác dân tộc trong tình hình mới.

Do làm tốt công tác tập trung đầu tư nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay kinh tế - xã hội trong vùng hàng năm đều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng ở nhóm cao, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định. Các chính sách an sinh xã hội đối với vùng được triển khai đẩy đủ, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo vào xây dựng nông thôn mới; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được tăng cường, đồng bào các dân tộc tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Để tạo đòn bẩy phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu. Hàng năm, tỉnh đã ưu tiên dành từ 65 – 70% tổng vốn từ ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 100% xã có đường giao thông được giải nhựa hoặc đổ bê tông, 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được bê tông hóa.

Để tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội địa phương, công tác đầu tư cho giáo dục cũng được chú trọng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 4 -5 tuổi đến trường đạt 98,8%; tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số trong độ tuổi trung học cơ sở đến trường đạt 98,5%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong đội tuổi từ 15 đến 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 95%. Đến nay, toàn tỉnh có 9 trường PTDT nội trú; 134 trường PTDT bán trú, số trường PTDT bán trú đạt chuẩn quốc gia chiếm 52,2% với 70 trường.

Bên cạnh đó, công tác chuyển dịch lao động việc làm, chuyển dich cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát huy giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm thích đáng. Các cấp, các ngành địa phương đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến nông, khuyến canh, hướng dẫn thâm canh tăng vụ, cung cấp con giống, khuyến khích và giúp đỡ đồng bào thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số khởi sự kinh doanh...

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 31 điểm du lịch cộng động và 01 khu du lịch Quốc gia; Trên 300 điểm cơ sở lưu trú tại gia dịch vụ homestay; thu nhập trung bình của các hộ làm du lịch cộng đồng homestay/năm khoảng từ 35 - 40 triệu đồng, cá biệt có những hộ đạt mức thu nhập gần 100 triệu đồng. Trong đó tiêu biểu là cơ sở lưu trú tại gia của nhóm đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (thị xã Sa Pa) và dân tộc Tày tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà), dân tộc Dao tại xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) với mô hình tắm thuốc Dao, được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN.

Điểm du lịch nông nghiệp, hướng đi mới tại tại thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố đang trở thành điểm đến ưa thích của du khách
Điểm du lịch nông nghiệp, hướng đi mới tại tại thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố đang trở thành điểm đến ưa thích của du khách

Việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) được triển khai thực hiện từ tuyến xã. Năm 2024, tổng số khám chữa bệnh BHYT là 675.562 lượt (trong đó người nghèolà 71.831 lượt, người DTTS là 318.489 lượt, trẻ em dưới 6 tuổi là 108.783 lượt), công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh lũy kế 10 tháng đạt: 97,16%.

Công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân cũng được quan tâm. Trong năm 2024, các hoạt động văn hóa, xã hội thể thao trên địa bàn tỉnh được tăng cường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng cao chất lượng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đề cao cá giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, tôn tạo, bảo tồn văn hóa của các dân tộc được phát huy.

Có thể thấy, công tác quán triệt, phổ biến và thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030 đã đạt những kết quả tích cực. Năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, tổ chức thực hiện Kế hoạch số 292/KH-UBND, triển khai thực hiện các chương trình MTQG; huy động phân bổ kịp thời các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, trong đó tập trung nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trách nhiệm và hành động của các cấp, cộng đồng về công tác dân tộc có nhiều chuyển biến, đạt nhiều kết quả khả quan. Việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được đảm bảo, đời sống từng bước được cải thiện và nâng cao, góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, vẫn còn đó những khó khăn nhất định, việc giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn còn chậm; một số quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương chưa được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời để giải quyết các vấn đề lớn mà thực tiễn đang đặt ra. Ngoài ra, năm 2024, do ảnh hưởng của thiên tai, nhất là sau cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng về công nghệ thông tin, viễn thông, hệ thống phát thanh cơ sở, ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một phiên tư vấn, giới thiệu việc làm được huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) tổ chức tại các xã, thị trấn
Một phiên tư vấn, giới thiệu việc làm được huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) tổ chức tại các xã, thị trấn

Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, có trình độ hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của tỉnh; một bộ phận quá nghèo, không có hoặc thiếu đất sản xuất, chủ yếu sống bằng làm thuê, làm mướn, việc làm không ổn định, đời sống rất khó khăn, một bộ phận còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo...

Để công tác dân tộc đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, đồng bào các dân tộc về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị số 28 –CT/Tu của BTV tỉnh ủy.

Tập trung các nguồn lực, sử dụng tối đa nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai có hiệu quả các chính sách đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh để phát triển toàn diện kinh tế - chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu.

Lào Cai tiếp tục đổi mới, kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở các cấp; chú trọng phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số tiến tới bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số hài hòa, hợp lý trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; làm tốt công tác phát triển đảng viên là người dân tọc thiểu số, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở; xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sạch, vững mạnh.

Nguyễn Mạnh