Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc với nhiều thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số toàn tỉnh.
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, các chính sách an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai đồng bộ, đầy đủ, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được tăng cường. Từ đó góp phần tạo niềm tin của nhân dân các dân tộc vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, từng bước phát huy nội lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hàng năm, tỉnh Lào Cai đã ưu tiên dành từ 65 – 70 % tổng vốn đầu tư ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 100% số xã có đường giao thông nông thôn được giải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã; 100% các thôn, bản có đường tới trung tâm thôn, trong đó có 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được bê tông hóa; 100% xã có điện lưới quốc gia, trong đó tỷ lệ hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới quốc gia là 97,6%; tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,3% so với năm 2019...
Số thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có nhà văn hóa chiếm 96%; cơ sở vật chất trường, lớp học được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố, hiện đại hóa, phòng học được xây kiên cố đạt 76,1% , tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 67,2%. Toàn tỉnh có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 bệnh viện đa khoa và 9 trung tâm y tế, 18 phòng khám đa khoa trực thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn và một số cơ sở khám chữa bệnh công lập...
Về đầu tư phát triển mạng lưới chợ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện có 58 chợ đang hoạt động, trong đó đa số là chợ hạng 3 hoạt động theo phiên phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa trên địa bàn.
Hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống chợ đáp ứng yêu cầu trong phát triển kinh tế xã hội, giai đoạn 2020 – 2025, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành định hướng và Đề án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh, trong đó tập trung đầu tư xây dựng, nâng cao cải tạo nhiều dự án chợ tại khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xây dựng hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh Lào Cai hiện có 1.117 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, gồm già làng, trưởng thôn, thầy cúng, cán bộ về hưu... Những cá nhân này đóng vai tròn quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật, tham gia xây dựng nông thôn mới... Công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chế độ, chính sách người có uy tín được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai đầy đủ.
Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh có 318 lượt người có uy tín được khen thưởng. Cùng với việc quan tâm về chế độ, chính sách, tỉnh Lào Cai cũng thường xuyên tập huấn, cung cấp kiến thức cơ bản, chính sách hiện hành về công tác dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải… để nâng cao năng lực, trình độ cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thường xuyên được củng cố, kiện toàn; thực hiện hiệu quả việc ghép các chức danh tại thôn bản, tổ dân phố, với phương châm tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động tại cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, đa dạng các hình thức tập hợp hội viên và đoàn viên.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách
Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cũng như nâng cao mức sống của người dân, tính đến năm 2024, Trung ương và tỉnh Lào Cai đã đầu tư trên 18.400 tỷ đồng.
Việc thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án như: Chương trình 135; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định 2085/QĐ-TTg; Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình MTTQ xây dựng nông thôn mới... song song với việc ban hành các chính sách đặc thù đối với vùng về y tế, giáo dục... trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều kết quả khả quan.
Từ năm 2021, hầu hết các chương trình, chính sách trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tích hợp vàp 3 Chương trình MTQG với tổng nguồn lực trên 7.000 tỷ đồng. Đến nay, các chương trình đã giải ngân khoảng 41% kế hoạch với nhiều kết quả tích cực: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm từ 25,19% (năm 2021) xuống còn 14,94% (năm 2023), trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 31,3% xuống còn 18,8%.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn thâm canh tăng vụ. cung cấp giống mới có năng suất cao, khuyến khích và giúp đỡ đồng bào thay đổi tập quán canh tác từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, vươn lên làm giàu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành niều vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt giá trị cao. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển, hình thành nhiều trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa...
Có thể nói, những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt và các chính sách phù hợp, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi. Việc ưu tiên đầu tư vào kết cấu hạ tầng, phát triển các chương trình an sinh xã hội, và khuyến khích người dân tham gia vào các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã giúp thay đổi diện mạo của các xã vùng sâu, vùng xa. Các chính sách dân tộc đã phát huy tác dụng rõ rệt trong việc giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống của người dân và thúc đẩy sự đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn đối mặt với nhiều thách thức, như sự thiếu đồng bộ trong phát triển các cơ sở hạ tầng thương mại, sự chênh lệch về mức sống giữa các khu vực, cũng như những yếu tố văn hóa, tập quán truyền thống ảnh hưởng đến công tác bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, Lào Cai cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, và phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế sẽ tiếp tục là động lực quan trọng giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Nguyễn Mạnh