Đầy “lửa nhiệt huyết” với sự nghiệp nông nghiệp
Sinh năm 1968 tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội, Thạc sỹ Phạm Thị Lý mang trong mình nhiệt huyết, tài năng của một người phụ nữ đam mê nghiên cứu và mong muốn làm việc thiện, bảo vệ những người yếu thế. Giám đốc Phạm Thị Lý có tình yêu đặc biệt dành cho nông dân và đầy “lửa nhiệt huyết” với sự nghiệp nông nghiệp.
Với nhiều năm có kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác hoạt động sản xuất, kinh doanh, nữ giám đốc Phạm Thị Lý không chỉ là một nhà khoa học mà còn là người tiên phong trong việc xây dựng một “Quy trình xác thực chống giả” - với thuật toán định danh xác thực chính xác, quản lý chặt chẽ chuỗi cung ứng, chống giả, an ninh thương mại điện tử, an ninh logistics, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng nền tảng công nghệ lõi đầu tiên của Việt Nam về chuyển đổi số, kết nối nông dân với các nhà quản lý và người tiêu dùng - với tên thương mại CheckVN.
Nhà khoa học Phạm Thị Lý đã cống hiến cho sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hàng hóa Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích của nữ giám đốc Phạm Thị Lý và cộng sự đã góp phần làm thay đổi phương pháp quản trị, quản lý, sản xuất, xây dựng và bảo vệ thương hiệu; được nhiều ngành, nhiều cấp, nghiên cứu, đánh giá, thẩm định và áp dụng trên diện rộng, góp phần trong việc triển khai thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chuyển đổi số quốc gia, bảo vệ môi trường và xây dựng nền nông nghiệp sạch Việt Nam.
Nữ giám đốc, Thạc sỹ Phạm Thị Lý trải lòng: “Trong thời đại toàn cầu hóa, chỉ có sự đổi mới và sáng tạo mới giúp hàng hóa Việt Nam đứng vững và phát triển. Năm 2015, trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tôi và các cộng sự phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, triển khai những giải pháp quan trọng tham gia nghiên cứu và phát triển các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Quy trình xác thực chống giả - CheckVN, giúp nâng cao vị thế hàng Việt trong lòng người tiêu dùng, khẳng định tinh thần tự hào dân tộc”.
Từ thành công trong nghiên cứu của CheckVN, Trung tâm IDE, do nữ giám đốc Phạm Thị lý dẫn dắt đã trở thành tổ chức tiên phong trong việc sáng tạo công nghệ đổi mới phương pháp quản lý và sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Công nghệ lõi CheckVN đã trở thành công cụ, giúp tăng cường quản trị sản xuất, quản lý an toàn thực phẩm về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
CheckVN được ứng dụng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc của 12 tỉnh, thành phố và nhiều tổ chức nghề nghiệp quốc gia.
Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thí điểm ứng dụng và chính thức áp dụng CheckVN xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ này, tại địa chỉ Checkvn.mard.gov.vn, từ năm 2021 đến nay.
CheckVN không chỉ hỗ trợ nông dân trong việc minh bạch thông tin nguồn gốc hàng hóa, khẳng định chất lượng sản phẩm, mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
CheckVN đã được chuẩn hóa theo TCVN và tiêu chuẩn của tổ chức mã số mã vạch thế giới GS1, đấu nối liên thông với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, đáp ứng Thông tư 02/2024/TT-BKHCN về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của Bộ Khoa học Công nghệ. Nhờ vào nền tảng này, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã có cơ hội gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Sự tận tâm và chuyên nghiệp của nữ nhà khoa học Phạm Thị Lý đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực sâu rộng, không chỉ trong cộng đồng nông dân mà còn trong toàn ngành nông nghiệp.
Nhà khoa học của nhà nông
Bên cạnh việc phát triển công nghệ CheckVN minh bạch nguồn gốc sản phẩm, kết nối trực tuyến người sản xuất và tiêu dùng nội địa, lan tỏa niềm tự hào Việt Nam, nhà khoa học Phạm Thị Lý cùng các cộng sự tích cực khuyến khích việc áp dụng những công nghệ hiện đại, để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm giá thành đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng.
Nhận thấy sự yếu thế của nông dân trước sức ép của hội nhập quốc tế, các hệ lụy của nền sản xuất hóa học, nguy cơ về ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp, nhà khoa học Phạm Thị Lý và các cộng sự tiếp tục sáng chế “Chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi” - với tên gọi VBIO đa năng.
Năm 2017, Giám đốc Phạm Thị lý đã đề xuất “Giải pháp hữu cơ vi sinh”, bảo vệ môi trường và xây dựng nền nông nghiệp sạch Việt Nam, trong áp dụng triển khai “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời, xây dựng mô hình thí điểm Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, để ứng dụng giải pháp, triển khai sáng chế và nhân rộng thành công.
Từ sự đồng hành, ươm tạo của Trung tâm IDE, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế “Chế phẩm vi sinh, để xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi”, xây dựng chuỗi liên kết 5 nhà (nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối, người tiêu dùng).
Trong đó, lấy CheckVN là giải pháp công nghệ số để quản trị sản xuất, chứng minh nhật ký đồng ruộng, theo dõi luồng di chuyển và hình thành sản phẩm, kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý và người tiêu dùng. Chế phẩm VBIO đa năng là chế phẩm gốc trong chuỗi liên kết tuần hoàn - từ chăn nuôi đến trồng trọt, để xử lý nguồn thải hữu cơ nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học vừa bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm đất và tầng nước mặt, ngăn ô nhiễm tầng nước ngầm từ việc lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu và thức ăn chăn nuôi.
Khi ứng dụng mô hình này, uy tín và thương hiệu của nhà sản xuất được khẳng định; giá bán sản phẩm tăng cao, chi phí đầu vào giảm, người nông dân không bị ảnh hưởng sức khỏe từ việc phải tiếp xúc với phân hóa học và thuốc trừ sâu; chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt.
Những giải pháp mà Thạc sỹ Phạm Thị Lý và đội ngũ các nhà khoa học sáng chế đã mang lại hiệu ứng tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp và nông dân, khẳng định vai trò quan trọng của nhà khoa học trong việc đồng hành phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã được công nhận “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2018” và đạt danh hiệu OCOP 4 sao.
Những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của giám đốc Phạm Thị Lý đã tạo ra di sản quý giá cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của bà và cộng sự, không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy những phương pháp sản xuất bền vững, góp phần hiện thực hóa ước mơ về một nền nông nghiệp phát triển thịnh vượng mà còn tạo ra một nền tảng công nghệ lõi, do chính người Việt phát minh, để quản trị nền sản xuất, quản lý cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp tại Việt Nam.
Dưới sự “chèo lái” của nữ giám đốc Phạm Thị Lý, Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) đã được tặng thưởng nhiều Bằng khentừ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Hà Nội, UBND xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ngày 3/10, tại Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V, trao giải Cuộc thi “Sáng tạo nhà nông” lần thứ X năm 2024, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, nhà khoa học, Thạc sỹ Phạm Thị Lý được vinh danh với 4 sáng chế, 3 giải pháp hữu ích áp dụng cho nông nghiệp.
Nguyễn Kiên