Bài 1 PV giới thiệu đến bạn đọc những mối đe doạ từ thực phẩm bẩn ngày càng trở nên nghiêm trọng, hiểm hoạ bệnh tật ngày càng khó lường khiến người tiêu dùng bắt đầu quan tâm hơn đến việc bồi bổ sức khoẻ bằng thực phẩm chức năng, với tiêu đề Xử lý “vấn nạn” thực phẩm chức năng, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Bài 2: Người tiêu dùng “va” vào ma trận thực phẩm chức năng bởi người nổi tiếng?

Loạt bài này, Thương hiệu và Công luận thực hiện theo Kế hoạch, chỉ đạo của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam là bảo vệ các thương hiệu của doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh chân chính; Chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quảng cáo trên trang web bán hàng, trên bao bì sản phẩm khác với chất lượng. Thực tế, nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), thực phẩm chức năng (TPCN) của doanh nghiệp vi phạm Luật Quảng cáo, bị cơ quan chức năng, cụ thể là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tiến hành xử phạm hành chính nhiều lần đã ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cùng ngành.

 Bát nháo thị trường TPCN

Theo khảo sát của Chi cục An toàn thực phẩm tại hai thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM thì, trên 50% số người trưởng thành sử dụng TPCN. Đây là một con số lớn nhưng thực tế không mấy người thật sự hiểu biết hoặc có kiến thức chuyên môn về TPCN.

Đến giờ trên thị trường Việt Nam hiện chưa có một con số cụ thể chính xác về số lượng các loại TPCN đang lưu thông, nhưng theo ước tính của các chuyên gia con số này lên tới hàng nghìn, trong đó gần nửa sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu. 

Các mặt hàng này không chỉ hiện hữu ở các nhà thuốc mà còn “tung hoành” trên mạng Internet với sự thật giả lẫn lộn. Dạo quanh phố… mạng, sôi động nhất của thị trường TPCN hiện được rao bán là các sản phẩm từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Australia, New Zealand… với đủ chủng loại với giá mỗi nơi một khác.

 Siêu thị thực phẩm chức năng trên thị trường online.

Mang đúng một sản phẩm cụ thể tra cứu giá cả trên các website nước ngoài, sau khi có mặt tại Việt Nam phân phối đến người tiêu dùng qua các kênh tự do nhỏ, lẻ, cá nhân giá thường bị cao lên gấp từ 3, 4 lần.

Với lợi nhuận cao, TPCN lại “đánh” trúng vào nhu cầu của mọi giới, đặc biệt là phụ nữ với những quảng cáo “có cánh” như: “Phục hồi sắc đẹp, sinh lý; tái tạo làn da; tiêu diệt nám và tàn nhang tận gốc; tăng cường sinh lý giúp cuộc sống hôn nhân thêm trọn vẹn; tái tạo bản lĩnh nam giới; thực phẩm thay thế tốt nhất cho người cần giảm béo…” bỗng dưng trở thành mảnh đất màu mỡ cho cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TPCN. Nhiều công ty còn thành lập cả hệ thống bán hàng đa cấp, lôi kéo nhiều người tham gia. 

Có hay không việc nghệ sĩ, ca sĩ "tiếp tay" cho TPCN "bẩn"?

 Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Trao đổi với PV, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo Nghị định 15, các nghệ sĩ, ca sĩ được phép làm đại diện thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu các nghệ sĩ, ca sĩ này mà quảng cáo với tư cách như một người bệnh là vi phạm pháp luật.

“Chẳng hạn, các nghệ sĩ nói, tôi từng bị bệnh này, bệnh kia và đã dùng sản phẩm này, sau đó thấy tốt, thấy khỏe là không đúng. Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ vi phạm quy định này, Cục đã gửi văn bản đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị phổ biến cho giới nghệ sĩ không tham gia quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm chức năng như một người bệnh”.

Nhằm hạn chế việc người tiêu dùng mua phải các sản phẩm kém chất lượng, hiểu sai công dụng sản phẩm, bà Nga khuyến nghị (người tiêu dùng) nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, yêu cầu có các hóa đơn, chứng từ trước khi mua hàng.

Các công ty TPCN này rất “mạnh tay” trong việc thuê các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng quảng cáo sản phẩm của mình. Như ca sĩ T.H, diễn viên V.A, V.K.T quảng cáo các sản phẩm hỗ trợ sinh lý GenX, Zawa; hoa hậu H.G, M.P.T quảng cáo thực phẩm giảm cân GM Diet; ca sĩ V.H...quảng cáo thực phẩm hỗ trợ dạ dày Yakumi....

Những ca sĩ, nghệ sĩ này đều quảng cáo sản phẩm dưới hình thức đã sử dụng sản phẩm và thấy rất hiệu quả. Nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm phải nhập viện mà phóng viên  tiếp cận được cho biết, nguyên nhân họ mua sản phẩm là do tin tưởng vào những lời quảng cáo của các nghệ sĩ, ca sĩ.

Người tiêu dùng phản ánh

Trao đổi với PV Thương hiệu và Công luận, bác Nguyễn Văn Luận, 72 tuổi ở Bắc Ninh, cho biết: “Tôi xem trên tivi, thấy có mấy anh chị diễn viên tầm tuổi tôi, quảng cáo uống TPCN tốt cho dạ dày, thận. Tôi mua uống nhưng không thấy chuyển biến. Tôi được nhân viên của doanh nghiệp này tư vấn, bác phải uống liên tục, 5-7 liệu trình thì mới cải thiện được…”

Bác Luận than thở, khi hỏi mua thì nhân viên công ty ấy bảo chỉ cần một đợt, một liệu trình là khỏi luôn, quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Uống 2 liệu trình chưa thấy cải thiện, hỏi thì lại bảo 5-7 liệu trình. Bác Luận “chốt đơn”: “Coi như mất tiền oan, tôi bỏ luôn, không uống và không theo tiếp nữa”.

Chị Nguyễn Hằng Nga, 35 tuổi, ở Hải Dương thì bày tỏ: “Tôi bị nám, lại thừa cân. Tôi thấy nhiều diễn viên, người nổi tiếng bán thuốc giảm cân. Tôi mua uống nhưng cân thì không giảm mà vẫn thèm ăn. Họ bảo không cần kiêng, tập luyện, chỉ uống thuốc đó là giảm cân. Tôi cũng thử bỏ tập nhưng ăn kiêng mà tăng cân…”

Không những bác Luận, chị Nga mà nhiều người tiêu dùng đã nghe theo quảng cáo để mua TPCN và TPBVSK dẫn tới tiền mất, tật mang.

Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 54/2017/NĐ-CP, chỉ ra  hàng loạt các dấu hiệu vi phạm như: Sử dụng các hình ảnh, các từ, cụm từ dễ gây hiểu lầm; sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo; sử dụng hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế... Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP, ngày 29/03/2021, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, quảng cáo, và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2021. Theo đó mức xử phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng và buộc khắc phục thu hồi sản phẩm. Trong trường hợp việc phạt hành chính này chưa đủ sức răn đe, vẫn có dấu hiệu tái phạm, việc khởi tố vụ án hình sự để điều tra là điều cần thiết.

Theo đó, nếu bị kết án với tội Quảng cáo gian dối, Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015) , người vi phạm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù treo đến 3 năm. Còn với tội lừa dối khách hàng (Điều 198, BLHS 2015), có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc ngồi tù đến 5 năm bởi trên thực tế, dấu hiệu vi phạm các đối tượng đã thỏa mãn liên tiếp các dấu hiệu tăng nặng như: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp.

 Hoàng Thăng – Lê Pháp