Bằng việc tích hợp ứng dụng trên sim mà không thông báo cho người dùng, các doanh nghiệp viễn thông đã thu về gần 200 tỷ đồng mà thuê bao không hay biết.

Thuê bao lắp sim sử dụng mà không hay biết mình có thể bị trừ cước âm thầm. Ảnh: Anh Quân.

Theo báo cáo tổng kết thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 24/12, các doanh nghiệp viễn thông lớn đều có sai phạm về việc quản lý dịch vụ nội dung trên sim di động, thu tiền của người dùng mà không thông báo rõ ràng.

Cụ thể, bộ 3 thống lĩnh thị trường Viettel, Mobifone, Vinaphone cùng mắc lỗi tích hợp sẵn ứng dụng trên sim để bán cho người dùng (ứng dụng cho phép tải thông tin và có tính phí) nhưng không niêm yết rõ ràng về giá cước, không có thông tin cảnh báo và cũng không để người dùng xác nhận đồng ý hay không sử dụng dịch vụ. Hành vi này đã mang cho cho các đại gia ngành viễn thông hàng trăm tỷ đồng chỉ trong một năm.

Từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013, dịch vụ có tên IOD tích hợp trên SIM đã đem lại doanh thu gần 20,7 tỷ đồng cho VinaPhone. Cùng khoảng thời gian trên, MobiFone đã hợp tác với 17 công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) để cung cấp 2 ứng dụng SuperSIM và LiveInfo, đạt doanh thu gần 150,6 tỷ đồng. Viettel cũng tích hợp trên SIM phần mềm Viettel Plus với những bất cập tương tự nhưng báo cáo không ghi doanh thu của nhà mạng từ hoạt động này.

Theo một chuyên gia viễn thông, xét về quy mô thuê bao của bộ ba thì Vinaphone có ít nhất nên về lý thuyết, số sim tích hợp sẵn ứng dụng sẽ không nhiều. "Các mạng càng lắm sim thì số tiền thu về càng nhiều", ông nói. Vị này cũng nhận định doanh nghiệp viễn thông không trông chờ nhiều vào những khoản như trên bởi nếu so với doanh thu thì con số này vẫn là quá nhỏ.

Trong khi các doanh nghiệp không ngừng kêu lỗ dịch vụ 3G với khách hàng cũng như cơ quan quản lý, thì họ đang dồn về túi những khoản tiền không nhỏ từ các dịch vụ lẳng lặng hoạt động trong những chiếc sim bán ra hàng ngày. Nhiều khách hàng từng thắc mắc tiền trong tài khoản trả trước của mình "biến mất" nhưng không có được lý giải hợp lý, nhân viên tổng đài thường chỉ loanh quanh đổ lỗi cho việc khách hàng sử dụng smartphone nên có thể bị trừ tiền từ các ứng dụng độc hại mà không biết.

Không những kín tiếng trong việc thu tiền người tiêu dùng, nhóm doanh nghiệp viễn thông đang nắm trong tay hơn 90% thị phần di động hiện nay còn thu tiền tin nhắn lỗi, sai cú pháp... của thuê bao. Cụ thể, theo báo cáo tổng kết của Thanh tra Bộ, Viettel thu cước của người sử dụng đối với tin nhắn lỗi, sai cú pháp, tin không được cung cấp dịch vụ. Nhà mạng này còn tiếp tục gửi quảng cáo cho người sử dụng mặc dù chủ thuê bao đã nhắn tin từ chối nhận.

Mobifone mắc lỗi như trên khi thu tiền người dùng cho các tin nhắn không thực hiện được. Tuy doanh nghiệp đã phải hoàn lại gần 820 triệu đồng cho khách hàng, số tiền không thể hoàn trả lại là gần 230 triệu đồng do chủ thuê bao đã rời mạng. Vinaphone cũng phải trả 700 triệu đồng cho khách, còn lại hơn 78,8 triệu đồng không bồi hoàn vì thuê bao ngừng sử dụng.

Đại diện Chánh Thanh tra Bộ cho biết trước mắt chưa chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với các phần mềm, ứng dụng tích hợp sẵn trên sim. Tuy nhiên đơn vị phải có trách nhiệm khắc phục và báo cáo kết quả thực hiện, nếu không sẽ phải dừng dịch vụ theo quy định tại Nghị định 77.

Đại diện Vinaphone không đưa ra bình luận nào về kết luận của Thanh tra Bộ, trong khi đó cả Viettel lẫn Mobifone đều không phản hồi. Nguồn tin từ một nhà mạng cho biết số sim tích hợp ứng dụng đã được tung ra thị trường từ trước, việc thu hồi sẽ gặp khó khăn vì số lượng lớn.

Cựu lãnh đạo một nhà mạng nhận định chuyện cài thêm ứng dụng tính phí mà không thông báo cho người dùng là điều rất bất thường. "Khi cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, doanh nghiệp phải minh bạch, báo cho người dùng biết", ông nói. Trường hợp miễn phí có thời gian cố định thì sau khi quá hạn cần phải thông báo để khách hàng lựa chọn. "Để khách hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng thì không phải là con số nhỏ", ông chia sẻ.

Hai mạng nhỏ đang hoạt động là Vietnamobile và Gmobile cũng thuộc diện thanh tra và có chung một số sai phạm trong việc nạp sẵn tiền vào tài khoản sim chưa đăng ký thông tin hoặc không hủy sim chưa kích hoạt sau 72 giờ đăng ký... Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát các điểm giao dịch được ủy quyền của nhà mạng chỉ mang tính hình thức.

Theo Vnexpress