Ngày 25/10 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam cùng một số đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp số 2017 – “Kỷ nguyên số và quốc gia khởi nghiệp” với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan và cá doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực số.
Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học - công nghệ, cuộc cách mạng đã và đang làm biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ về tư liệu sản xuất, làm thay đổi căn bản cách thức con người tác động vào đối tượng sản xuất và làm thay đổi nền sản xuất của xã hội.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động và thay đổi ở hầu hết các lĩnh vực, chứ không tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt nào như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Từ đó, làm cho cuộc cạnh tranh giữa các DN với nhau mang đậm màu sắc công nghệ hiện đại hơn so với trước rất nhiều.
Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước trong thời gian qua, thể hiện rất rõ giữa các DN truyền thống và các DN ứng dụng công nghệ mới. Do đó, nếu không chủ động, DN nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực ngày càng mạnh.
Điểm mấu chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh tự động hóa, từ đó kéo theo là sự dư thừa công nhân lao động. Và hệ lụy là các quốc gia sẽ đối diện với những thách thức trong vấn đề anh ninh, an sinh do vấn nạn thất nghiệp gây ra.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh những khó khăn, Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng là tiền đề cho việc làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0, như: Tỷ lệ dân số và DN sử dụng Internet cao ( khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương); tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%; ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%...
Việt Nam cũng đứng trong top 5 các nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh vào đời sống xã hội, thay đổi toàn diện vào kinh tế, chính trị, xã hội… mở đầu một thời kỳ mới - là cơ hội gần như duy nhất để dân tộc phát triển sau đuổi kịp nước phát triển đi trước.
“Hy vọng, sẽ có một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam áp dụng tốt công nghệ số để làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội ở nước mình. Việt Nam đang thời kỳ vàng của CNH - HĐH với lực lượng chủ lực là các DN số đi đầu ở Việt Nam và nếu làm được việc này, thì góp phần lớn nhất để nước này tiến kịp các nước phát triển. Tuy nhiên, lực lượng DN phải được tổ chức lại, có tiếng nói và Chính phủ có chính sách thiết thực để hỗ trợ cho đội ngũ này phát triển”, ông Nam nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu, diễn giả đã tập trung xoay quanh các vấn đề: Thực tế ứng dụng DN số tại Việt Nam; DN toàn cầu, thị trường toàn cầu: Những thách thức và cơ hội cho DN Việt Nam trong bối cảnh kinh doanh thay đổi, hướng đến cạnh tranh toàn cầu.
Bên cạnh đó là những công nghệ mới và phương pháp tiếp cận khách hàng; ứng dụng kỹ thuật số hóa DN trong quản lý khách hàng, tài sản và quy trình kinh doanh; tự động hóa văn phòng và quản lý tài liệu; xử lý dữ liệu và ra quyết định; Bảo mật trong DN số; làm thế nào để chuyển đổi một DN sang mô hình DN số?; hệ sinh thái đối tác với DN số; chuyển đổi mô hình DN, tái lập lại quy trình vận hành, mô hình tổ chức và văn hóa số...
PV