Sáng 14 tháng 01 năm 2022, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đồng tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” thí điểm tại tỉnh Ninh Bình năm 2020-2021.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, lãnh đạo VBA, các chuyên gia, các Hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành...

Hội thảo tổng kết chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” thí điểm tại tỉnh Ninh Bình năm 2020-2021
Hội thảo tổng kết chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” thí điểm tại tỉnh Ninh Bình năm 2020-2021.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, mỗi năm có gần 300 triệu lít rượu thủ công được tung ra thị trường với tình trạng không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng. Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi, làm thất thu nguồn thuế rất lớn cho Nhà nước, làm tăng chi phí chăm sóc y tế cũng như thiệt hại về mặt tính mạng con người và tăng nguy cơ mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) năm 2020 cho biết, tổn thất về thuế đối với rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam đã phối hợp thí điểm Chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” tại tỉnh Ninh Bình nhằm đánh giá thực trạng sản xuất rượu thủ công ở địa phương, từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách nhằm thúc đẩy quản lý hiệu quả việc sản xuất rượu thủ công ở Ninh Bình nói riêng và trên cả nước nói chung.

Các hoạt động của Chương trình đã thu được những kết quả ban đầu khá ấn tượng, đặc biệt là số lượng hộ sản xuất rượu thủ công đăng ký, kê khai với chính quyền địa phương tăng 68% so với thời điểm trước khi triển khai. Thông tin về quy định pháp luật, kiến thức về rượu thủ công, phòng chống lạm dụng rượu bia được chuyển tải tới người dân ở Ninh Bình thông qua chuỗi hoạt động truyền thông, hội thảo tập huấn, tin bài phóng sự, thu hút được sự tham gia của hàng ngàn lượt người tham dự.

Mặc dù vậy, kết quả điều tra khảo sát cũng cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý việc sản xuất rượu thủ công ở Ninh Bình, chẳng hạn như gần ¾ số hộ gia đình được khảo sát cho biết họ chưa kê khai với chính quyền địa phương về việc sản xuất rượu thủ công và trong số đó có tới 85,2% cho biết không nắm được quy định cần phải kê khai việc sản xuất RTC với chính quyền. Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết của người sản xuất rượu thủ công về việc nấu rượu còn rất hạn chế với chỉ 36% hộ gia đình hiểu biết đầy đủ về những quy định pháp lý cần tuân thủ trong việc nấu rượu thủ công (về an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, đăng ký kê khai).

Ông Ludovic Ledru, đồng Chủ tịch Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) chia sẻ: “Kết quả khảo sát từ Chương trình cho thấy, tại Ninh Bình có hơn 450 hộ sản xuất rượu thủ công (tương đương 11% tổng số hộ) có sản lượng hàng năm từ 1.000 lít trở lên kê khai “không nhằm mục đích kinh doanh”. Đây rõ ràng là điểm bất hợp lý bởi mức sản lượng này quá lớn và nằm ngoài khả năng tiêu dùng của hộ gia đình. Nếu số rượu này để bán thì dĩ nhiên, các hộ gia đình này không đóng thuế đúng quy định. Từ một ví dụ đơn giản ở Ninh Bình, có thể thấy rõ rằng Nhà nước đang tổn thất rất lớn về mặt thu thuế từ khu vực rượu phi chính thức. Nếu như Nhà nước có các chính sách phù hợp nhằm chuyển đổi các hộ sản xuất rượu thủ công vào khu vực chính thức, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ có thể tăng thêm đáng kể”.

Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng việc quản lý tốt rượu thủ công không chỉ giúp tăng nguồn thu thuế cho ngân sách, mà còn giúp tạo ra các sản phẩm rượu có chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, hấp dẫn cho các nhà sản xuất rượu chính thức ở Việt Nam.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan như: Y tế, Quản lý thị trường, các địa phương… để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành đúng quy định như tạm dừng sản xuất hoặc cấm sản xuất rượu cho đến khi đáp ứng các quy định của pháp luật trước khi đưa ra thị trường.

Thường xuyên rà soát hệ thống các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, qua đó kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công.

Áp dụng phương pháp quản lý sản xuất tiên tiến, hiện đại đối với sản phẩm rượu thủ công bằng mã QR để tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm rượu thủ công được đưa ra thị trường và xây dựng thương hiệu riêng.

Anh Minh