Tỷ lệ các hộ sản xuất rượu thủ công tỉnh Ninh Bình đăng ký với cơ quan quản lý và được cấp Giấy phép sản xuất chỉ chiếm 15%.
Tỷ lệ các hộ sản xuất rượu thủ công tỉnh Ninh Bình đăng ký với cơ quan quản lý và được cấp Giấy phép sản xuất chỉ chiếm 15%

Mới đây, tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra chương trình khảo sát đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công. Đây là hoạt động trong Chương trình tăng cường năng lực quản lý rượu thủ công tại tỉnh Ninh Bình do Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình thực hiện.

Sản xuất, tiêu thụ rượu thủ công tồn tại lâu đời ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động sản xuất, mua bán rượu thủ công còn khó khăn, dẫn đến nhiều trường hợp ngộ độc, đe dọa đến tính mạng do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ đã xảy ra, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và thị trường chính thức.

Theo đánh giá, tỷ lệ các hộ sản xuất rượu thủ công đăng ký với cơ quan quản lý và được cấp giấy phép sản xuất chỉ chiếm 15%; một tỷ lệ rất thấp, thể hiện nhận thức về vấn đề rượu bia trong xã hội, cũng như khả năng quản lý của cơ quan hữu quan còn hạn chế.

Để có cơ sở tăng cường các biện pháp quản lý, một trong những nội dung quan trọng của Chương trình ở tỉnh Ninh Bình là tiến hành khảo sát về nhận thức và thực trạng sản xuất rượu thủ công. Ước tính có khoảng 3.000 hộ tham gia vào hoạt động sản xuất rượu thủ công tại tỉnh. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 cùng các văn bản pháp lý về Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với sản xuất rượu thủ công, vận động người dân tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Tuy nhiên, với địa bàn rộng và thói quen của người dân, việc thực thi các quy định về kiểm soát rượu thủ công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn nhiều khó khăn, dẫn đến tác hại cho xã hội bắt nguồn từ hành vi sản xuất thiếu trách nhiệm liên quan đến đồ uống có cồn.

Chương trình đã tổ chức tập huấn cho cán bộ địa phương và lễ phát động chiến dịch tự nguyện kê khai, đăng ký và làm thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công cho bà con tại huyện Kim Sơn, để đảm bảo việc sản xuất rượu tại gia đình tuân thủ pháp luật, lan tỏa thông điệp “Phòng, chống rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Chương trình kỳ vọng gia tăng số hộ tự nguyện kê khai, đăng ký sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, tăng số lượng giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu được cấp; nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất rượu thủ công về vấn đề tác hại của rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng, bao gồm ý thức trong các khâu sản xuất, lưu thông và sử dụng đồ uống có cồn, lợi ích lâu dài từ việc tuân thủ pháp luật dưới góc độ kinh doanh và xã hội.

Hoài Thu