Chủ động thay đổi nguyện vọng
Ngày 7/7, Bộ GD&ĐT đã công bố điểm thi THPT quốc gia 2017. Theo Bộ GD&ĐT, dạng phổ điểm của tất cả các bài thi, môn thi gần với phân phối chuẩn, chứng tỏ các đề thi đánh giá sát với chuẩn đầu ra chương trình lớp 12 của các môn học, phân loại rõ ràng, sát thực năng lực của thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Cụ thể, các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ khoảng 4,5 - 6,5 điểm. Ở một số bài thi, môn thi, có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối (10 điểm), chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống hiếu học. Số lượng thí sinh đạt điểm 0 và điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 (điểm liệt) cũng tương đối lớn và có hầu hết ở các bài thi, môn thi.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng sự “an toàn” các nguyện vọng xét tuyển đã đăng ký nên dự kiến thay đổi nguyện vọng.
Nhiều thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển Đại học
Em Đinh Mạnh Hùng (Hưng Yên) bộc bạch: “Nguyện vọng 1 của em đăng ký vào Học viện Bưu chính Viễn thông, nhưng em chỉ đạt 23 điểm. So sánh mức điểm năm nay và năm trước thì thấy điểm năm nay có nhiều bạn đạt cao hơn, do đó em sẽ thay đổi nguyện vọng vào các trường có điểm thấp hơn để tăng cơ hội trúng tuyển”.
Với tổng điểm thi xét tuyển ĐH chỉ được 15 điểm, em Đặng Phương Nam (Trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết: Nguyện vọng 1, em đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật, nhưng sau khi được biết điểm, em sẽ điều chỉnh nguyện vọng của mình vào một số trường CĐ có ngành cơ khí điện tử để xét tuyển. Cơ hội vào các trường CĐ sẽ cao hơn với mức điểm của em.
Ông Nguyễn Văn Tú, một phụ huynh học sinh (Hải Dương) lo lắng: Gia đình rất sốt ruột trước việc xét tuyển nguyện vọng vào ĐH. Ban đầu, con đăng ký vào Học viện Ngoại giao, khoa Truyền thông quốc tế, nhưng kết quả thi chỉ được 23 điểm. Gia đình phải tham khảo thêm thông tin để giúp con chuyển nguyện vọng đúng hướng, kịp thời với điểm chuẩn xét tuyển các trường sau này.
Cân nhắc kỹ lưỡng
Từ ngày 15/7, thí sinh bắt đầu thay đổi nguyện vọng đã đăng ký và chỉ được thay đổi 1 lần duy nhất. Thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng theo hình thức trực tuyến hoặc sử dụng phiếu thay đổi nguyện vọng.
“Thí sinh có thể đổi nguyện vọng 3 lên nguyện vọng 1, hoặc đổi nguyện vọng 4 lên nguyện vọng 2; còn nguyện vọng 1 có thể chuyển xuống nguyện vọng 5 hoặc 6 tùy ý. Nói cách khác, thời gian này, thí sinh có thể liệt kê các trường, ngành nghề, tổ hợp xét tuyển và thay đổi lại toàn bộ. Tất cả mọi hình thức thay đổi đều được chấp nhận”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng cũng lưu ý: Quyền của thí sinh là các em được đăng ký nhiều nguyện vọng. Khi thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi, sẽ không có danh sách ở nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3. Vì vậy, thí sinh cần suy nghĩ thật kỹ để sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng nhằm giúp trúng tuyển nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ: “Đối với thí sinh, đây là lúc các em đối sánh kết quả thi của mình với kết quả thi dự kiến trước đây trong bối cảnh chung về kết quả thi toàn quốc để quyết định lần cuối việc đăng ký xét tuyển.
Điểm sàn được công bố vào ngày 12/7, tất cả những thông tin cần thiết để các em điều chỉnh nguyện vọng đã có đầy đủ. Do đó, khi thay đổi nguyện vọng, các em phải hết sức bình tĩnh. Nếu kết quả thi của các em phù hợp với kết quả mình dự kiến trước đây, thì không nên điều chỉnh. Năm nay, quy chế xét tuyển của các trường ưu tiên đầu tiên là điểm thi của các em”.
TS. Vũ Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn tuyển sinh đưa ra lời khuyên: “Tỷ lệ đỗ vào các trường ĐH, CĐ năm nay rất cao, nhưng các em và phụ huynh cần lưu ý, không nên đỗ vào các trường ĐH bằng mọi cách. Bởi vì, theo số liệu điều tra xã hội học hàng năm tại các trường ĐH thì có tới 10% - 15% sinh viên các trường ĐH bỏ học sau 1 năm để thi lại vào trường mình chọn ban đầu. Như vậy, sẽ rất tốn kém cho gia đình và mất thời gian...”
Hoan Nguyễn