Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Nhiều thương hiệu vững vàng vượt “bão” Covid-19

Kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; đồng thời tích cực đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của đất nước, nhiều thương hiệu lớn đang tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong mọi hoàn cảnh.

Thực hiện tốt nhiệm vụ kép, đảm bảo cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội

Trong tháng 5/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân.

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 5/2021 đạt 23,98 tỷ kWh, đạt 104% kế hoạch. Lũy kế 5 tháng đạt 104,66 tỷ kWh, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 5/2021 ước đạt 19,67 tỷ kWh, tăng 15,4% so với tháng 5/2020. Luỹ kế 5 tháng đạt 90,51 tỷ kWh, tăng 8,51% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, vào cuối tháng 5/2021, các tỉnh miền Bắc, miền Trung bước vào giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt khi nhiệt độ nhiều nơi cao hơn 40 độ C, khiến lượng điện tiêu thụ tăng đột biến. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 31/5/2021 là 850,3 triệu kWh với công suất đỉnh là 41.549 MW. Ngày 1/6/2021, tiếp tục lập kỷ lục mới với sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc là 880,3 triệu kWh, tăng tới gần 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 15% so với trung bình tuần trước đợt nóng.

Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội
Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội

Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, trong 5 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 69,85%; tỷ lệ tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 90,95%.

Cung cấp dịch vụ điện trong 5 tháng đầu năm 2021, các Tổng Công ty Điện lực đã tiếp nhận trên 3,92 triệu yêu cầu, trong đó số yêu cầu tiếp nhận trực tiếp tại các phòng giao dịch khách hàng chỉ chiếm tỷ lệ 0,65%; còn lại trên 3,9 triệu yêu cầu (tương ứng 99,35%) được tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công với số lượng tiếp nhận. Riêng tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia có gần 392.000 yêu cầu được tiếp nhận, tương ứng với 55,63% tổng số yêu cầu các dịch vụ của EVN đồng bộ hồ sơ lên Cổng.

Về đầu tư xây dựng, lũy kế 5 tháng năm 2021 đã khởi công 40 công trình; hoàn thành đóng điện 49 công trình lưới điện 110-500 kV, trong đó đã đóng điện các dự án lưới điện quan trọng gồm: Đường dây 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa, đường dây 220kV Phả Lại rẽ Hải Dương, đóng điện máy 2 trạm biến áp 220kV Thanh Nghị, đóng điện cải tạo đường dây 110kV Hóc Môn - Bà Quẹo (đoạn Bình Tân - Bà Quẹo) và bàn giao 100% mặt bằng đoạn đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3).

Từ cuối tháng 4/2021 đã xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 mới ở nhiều tỉnh/ thành phố, số trường hợp nhiễm dịch trong cộng đồng tăng nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường. Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, liên tục hệ thống điện Quốc gia, EVN đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện gấp các biện pháp cấp bách, ứng phó với diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh Covid-19 mới. Bên cạnh đó, với tinh thần khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ và phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội đối với cộng đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, EVN đã ủng hộ 400 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19. Tổng số tiền mà EVN và các đơn vị thành viên đã đóng góp, ủng hộ cho các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch của ngành Y tế đối với riêng đợt dịch lần thứ 4 là gần 408 tỷ đồng.

Kiểm soát tốt dịch bệnh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh

Với nỗ lực triển khai các giải pháp quản trị, điều hành, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục bám sát các mục tiêu, kế hoạch đề ra, đạt kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, sản lượng khai thác dầu, kể cả khai thác dầu ở nước ngoài là điểm sáng trong hoạt động của Tập đoàn với sản lượng khai thác dầu tháng 5 vượt 18% kế hoạch tháng, đảm bảo sản lượng khai thác quy dầu lũy kế 5 tháng đầu năm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Các chỉ tiêu tài chính trong 5 tháng đầu năm của Petrovietnam hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 227,3 nghìn tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch 5 tháng, tăng 16% so với cùng kỳ 2020; Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 32,4 nghìn tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch 5 tháng, tăng 20% so với cùng kỳ 2020; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 15,3 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 2,3 lần kế hoạch 5 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020. Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, kiểm soát được lượng hàng tồn kho, công tác phòng chống dịch Covid-19 được quán triệt thực hiện nghiêm túc và triệt để.

Nhịp độ lao động khẩn trương trên công trình dầu khí
Nhịp độ lao động khẩn trương trên công trình dầu khí

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, với quyết tâm đảm bảo an toàn tuyệt đối, không làm gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh trước tình hình dịch bệnh Covid-19, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và các cơ quan chức năng, Petrovietnam đã kịp thời ban hành hàng loạt các giải pháp cụ thể, chủ động rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống dịch. Tập đoàn cũng đã triển khai hàng loạt biện pháp chủ động như: Kích hoạt tình huống khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh, diễn tập phương án xuất hiện F0, xét nghiệm sàng lọc cho công nhân, người lao động và đặc biệt đã tiến hành đợt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người lao động.

Song song đó, với tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm vì cộng đồng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, vừa qua Petrovietnam đã đóng góp 400 tỷ đồng xây dựng Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 Quốc gia, tích cực chung tay cùng Chính phủ và nhân dân cả nước nhanh chóng đẩy lùi đại dịch, vì mục tiêu cao nhất là giữ môi trường an toàn cho nhân dân, duy trì sản xuất góp phần đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, các hoạt động ủng hộ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong công tác phòng chống Covid-19 là 480 tỷ đồng.

Khẳng định thương hiệu dẫn đầu, phát triển bền vững

Forbes Việt Nam vừa công bố “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” năm 2021, Tập đoàn Bảo Việt được ghi nhận là doanh nghiệp dẫn đầu ngành bảo hiểm. Đây là lần thứ 9, Forbes công bố danh sách và Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất có mặt trong danh sách 9 lần liên tiếp.

Trước ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19, danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam của Forbes đã có nhiều thay đổi. Những công ty nằm trong danh sách được lựa chọn từ các công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất, đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Phần lớn trong danh sách là các công ty đã xác lập được vị thế cạnh tranh trên thị trường, không chỉ dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình mà trong cả nền kinh tế. Theo Ban Tổ chức giải, những doanh nghiệp trong danh sách đã thể hiện “bản lĩnh chèo lái của các doanh nhân, khả năng xoay trở, mạnh dạn đầu tư để tìm cơ hội, mang lại hiệu quả kinh doanh khả quan và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế”.

Để được vinh danh trong danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn, Tập đoàn Bảo Việt và các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn theo phương pháp xếp hạng của Forbes áp dụng trên toàn cầu, có xét đến yếu tố đặc thù của thị trường Việt Nam. Forbes Việt Nam đánh giá dữ liệu tính toán trên các tiêu chí: Tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2016-2021. Tiếp theo, Forbes Việt Nam điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: Vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị, triển vọng phát triển ngành… Dữ liệu đánh giá dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán của doanh nghiệp, các công ty con phụ thuộc hoặc có vị thế kinh doanh quá thấp không được xem xét. Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng công ty của Forbes (US), có cân nhắc đến đặc thù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, với sự hỗ trợ tính toán định lượng của IFRC Việt Nam (Intelligent Financial Research and Consulting Việt Nam).

Các công ty trong danh sách vinh danh năm 2021 có nền tảng vững vàng, không chỉ có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2020 mà còn được kỳ vọng có sức bật trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thử thách nhất trong 10 năm qua. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đối diện với các bất ổn khó đoán định dưới tác động của đại dịch Covid-19, Forbes Việt Nam tin tưởng rằng các doanh nghiệp hướng vào thị trường nội địa không miễn nhiễm với các khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 nhưng có sức bật ở giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.

Vượt qua 494 đại diện đến từ 17 quốc gia trong khu vực, Bảo Việt cũng vừa được vinh danh tại 2 hạng mục bình chọn: Báo cáo bền vững xuất sắc nhất Châu Á nhóm Doanh nghiệp Nhà nước (Asia’s Best Sustainability Report - Public Sector) và Báo cáo có nội dung dành cho các bên liên quan xuất sắc nhất Châu Á (Asia’s Best Stakeholder Reporting). 5 năm liên tiếp được đạt những thành tích xuất sắc, Bảo Việt hiện là doanh nghiệp Việt được vinh danh nhiều nhất tại Cuộc bình chọn Báo cáo phát triển bền vững Châu Á (ASRA) - giải thưởng danh giá quốc tế vinh danh Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ trao giải Báo cáo phát triển bền vững Châu Á (ASRA) năm nay được tổ chức trực tuyến từ Singapore.

Báo cáo phát triển bền vững của Bảo Việt được Hội đồng Giám khảo ASRA đánh giá cao về chất lượng nội dung, trình bày công phu sáng tạo và áp dụng tiêu chuẩn GRI Standard. Không chỉ cung cấp thông tin tài chính, Báo cáo còn thể hiện chi tiết những thông tin phi tài chính như chiến lược phát triển, chất lượng quản trị doanh nghiệp, hoạt động xã hội, môi trường... Đây là những nội dung quan trọng phản ánh cam kết của Tập đoàn trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững thành hành động.

Bảo Việt hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm
Bảo Việt hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm

Bảo Việt hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, đạt trên 146.600 tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ 2020. Kết thúc 3 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.959 tỷ đồng, tăng trưởng 8%, trong khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 499 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2020 do diễn biến tích cực của thị trường tài chính, bảo hiểm, thị trường chứng khoán.

Sau quý I năm 2021, Công ty Mẹ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Tổng doanh thu đạt 384 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 268 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tại thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản đạt 18.799 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 18.463 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ 2020.

Bảo Việt cũng là doanh nghiệp đi đầu trong công tác an sinh xã hội, đồng hành cùng cộng đồng vì một tương lai phát triển bền vững.

Đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo nguồn cung cho thị trường

Để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào về số lượng và chất lượng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo nguồn cung vụ Hè Thu 2021, góp phần bình ổn giá phân bón trong nước.

Thời gian qua, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, giá các loại nguyên liệu sản xuất phân bón nhập khẩu và trong nước như: SA, Urê, DAP, Kali... đều tăng rất cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất phân bón và khiến nông dân gặp nhiều khó khăn hơn khi bước vào vụ sản xuất mới.

Bộ phận đóng bao sản phẩm phân bón Lâm Thao
Bộ phận đóng bao sản phẩm phân bón Lâm Thao

Để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, Supe Lâm Thao đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào về số lượng và chất lượng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo nguồn cung vụ Hè Thu 2021, góp phần bình ổn giá phân bón trong nước.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Supe Lâm Thao đã cung ứng khoảng 326.857 tấn phân bón các loại ra thị trường, trong đó phân bón NPK-S đạt khoảng 212.749 tấn; Supe lân đạt khoảng 114.109 tấn. Dự kiến, trong tháng 6/2021, Công ty sẽ tiếp tục đưa khoảng 56.000 tấn phân bón Lâm Thao ra thị trường.

Mặc dù, bối cảnh thị trường có nhiều biến động bất thường, nhưng do đầu tư tốt cho công tác dự báo và chuẩn bị, điều động hàng hợp lý, Công ty vẫn đảm bảo nguồn cung ứng phân bón cho bà con nông dân. Thời gian qua, các dây chuyền sản xuất NPK-S và Supe lân tại Công ty được vận hành tối đa công suất, miệt mài ngày đêm để cho xuất xưởng những lô hàng chất lượng nhất; đồng thời thực hành tiết kiệm trong quy trình sản xuất để giá thành sản phẩm hợp lý nhất. Song song với những nỗ lực sản xuất, Công ty còn tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị trong các dây chuyền, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và máy móc thiết bị. Công ty đã tạm dời lịch đại tu một số dây chuyền sản xuất để ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.

Không chỉ nỗ lực để đảm bảo cung ứng các sản phẩm truyền thống tới bà con, hiện nay, Công ty còn chú trọng sản xuất các sản phẩm mới như phân hữu cơ khoáng và NPK-S hàm lượng cao với nhiều tính năng ưu việt, giúp cây trồng phát triển tốt, mau lớn, chắc khoẻ và xanh bền, năng suất cao; giúp bà con tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận. 

Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty luôn chú trọng triển khai đồng bộ, nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất các nguy cơ liên quan đến dịch Covid-19, đảm bảo sức khỏe của người lao động, duy trì liên tục, thường xuyên các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại Công ty.

Bám sát vào các định hướng và mục tiêu cụ thể xuyên suốt trong quá trình thực hiện, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo Tổng công ty, sự đoàn kết, gắn bó, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động, Viglacera đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận toàn Tổng công ty tăng gấp 2 lần cùng kỳ.

Viglacera đã chủ động phối kết hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Bắc Ninh, chung tay hỗ trợ các hoạt động như đưa khu Nhà ở công nhân tại Yên phong là nơi cách ly y tế, Viglacera đã ủng hộ các y bác sỹ tuyến đấu đầu 1 tỷ đồng, đồng thời đóng góp 5 tỷ đồng vào quỹ vắc-xin. Hiện nay, các hoạt động tại các khu công nghiệp của Viglacera vẫn duy trì đảm bảo và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Đối với mảng vật liệu xây dựng, các nhà máy sản xuất của Viglacera hiện đang được tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định. Các hoạt động kinh doanh thương mại vẫn nhận được sự hợp tác từ toàn hệ thống khách hàng toàn quốc, bên cạnh đó công tác bán hàng thương mại điện tử của Viglacera trên trang www.viglacera.vn đang được phát huy tối đa.

Minh Anh

Bài liên quan

Tin mới

Đối tượng và mức đóng BHXH tự nguyện
Đối tượng và mức đóng BHXH tự nguyện

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc (Bình Thuận) hỏi, con trai ông sinh năm 1983, hiện có nguyện vọng đóng BHXH tự nguyện thì có được không? Nếu được thì mức đóng, thời gian đóng, thủ tục như thế nào và liên hệ cơ quan nào?

Dấu hỏi lớn về dòng tiền của Grab?
Dấu hỏi lớn về dòng tiền của Grab?

Sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam, thương hiệu Grab đã có bước phát triển thần tốc để trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, Công ty TNHH Grab chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, đồng thời Công ty TNHH Grab tại Việt Nam còn nhiều lần chuyển tiền về công ty mẹ ở nước ngoài.

Nhiều hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Nhiều hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Tại dự thảo Luật Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Khi nào bỏ độc quyền vàng miếng SJC?
Khi nào bỏ độc quyền vàng miếng SJC?

Các chuyên gia, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để bắt kịp với sự dịch chuyển của kinh tế thế giới nhất là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động; đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC,…

Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo
Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo

Với vai trò chủ trì xây dựng các cơ chế, chính sách chung cho hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì và mong muốn nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy sự hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Thị trường chứng khoán hôm nay: Chỉ số VN-Index có thể hướng về mức cao, nhà đầu tư thận trọng
Thị trường chứng khoán hôm nay: Chỉ số VN-Index có thể hướng về mức cao, nhà đầu tư thận trọng

Thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục hướng về các mức cao hơn, nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch những cổ phiếu thuộc nhóm giá trị cao.