Với ưu điểm hiện đại, gọn nhẹ, hợp thời trang, không xả khói gây ô nhiễm, xe đạp điện là phương tiện được nhiều người lựa chọn. Nhưng hiện nay xe đạp điện nhập ngoại trôi nổi trên thị trường không hề được kiểm định về chất lượng, độ an toàn, thiết kế, tốc độ tối đa…


Một nhân viên bán hàng xe đạp điện trên phố Bà Triệu cho biết “Xe đạp điện Trung Quốc phụ tùng kém chất lượng, riêng về ắc quy tuổi thọ chỉ được hơn 1 năm, xe chạy nặng,  độ bền không cao, chắc chắn chất lượng không bằng các hãng tên tuổi như Yamaha, Honda được”.

Tuy nhiên theo tìm hiểu, những loại xe bày bán đều là loại xe trôi nổi, không rõ xuất xứ và không qua kiểm tra, kiểm định, được nhập với giá khoảng 3 - 5 triệu đồng/xe và thường được bán 11 - 15 triệu đồng/xe. Nhiều xe được gắn mác Honda, Yamaha hay Bridgestone. Thực tế, nếu là sản phẩm xe đạp điện chính hãng của Honda, Yamaha, Bridgestone hiện có giá khoảng 20 - 30 triệu đồng và các hãng này chưa có đại lý phân phối sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

Theo tìm hiểu được biết, giá nhập khẩu xe đạp điện chỉ bằng 2/3 so với xe đạp điện chính hãng, tuy nhiên về Việt Nam, nhiều cửa hàng vẫn bán xe đạp điện giả nhãn hiệu tương đương với giá xe chính hãng (của các hãng như Honda, Yamaha... sản xuất tại Trung Quốc), vừa thu lợi lớn lại vừa đánh lừa được người tiêu dùng. Bởi vì mua giá thấp, bán giá cao nên các cửa hàng bán xe đạp giả sẵn sàng bảo hành, bảo dưỡng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chất lượng linh kiện, phụ tùng kém nên nhiều xe có khi phải thay tới nhiều lần. Khi hết thời gian bảo hành, nhiều cửa hàng sẵn sàng thẳng tay "chặt chém" khách bằng việc nâng giá phụ tùng để bù vào những lần thay trước đó.

Mới đây, tại phố Thanh Lân (Hoàng Mai, Hà Nội), đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với đội quản lý thị trường số 12 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) bắt quả tang 2 kho xe điện lên đến hơn 700 chiếc.

Tại hiện trường nhiều chiếc xe điện và xe đạp điện đã được lắp ráp xong và đang chuẩn bị đưa ra thị trường để tiêu thụ đều có tem chữ Trung Quốc. Thời điểm kiểm tra, trong cả hai kho hàng là cửa hàng xe đạp Quang Hưng và công ty Bảo Việt đều có nhân viên đang lắp ráp xe. Cả hai chủ lô hàng nói trên đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Để nhận biết, xe đạp điện thật thường dập nổi thương hiệu của nhà sản xuất trên động cơ (ở mayơ bánh sau xe) và có phiếu tiêu chuẩn chất lượng, trên mỗi dòng ghi các thông tin như tên xe, loại xe, thông số kỹ thuật... có đóng dấu của nhà sản xuất.

Đức Anh