Theo đó, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh quán triệt toàn thể cán bộ, người lao động thực hiện nghiêm túc nội dung trên; đồng thời tham mưu chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch theo quy định.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân vay vốn gặp khó khăn chưa trả được nợ vay do dịch.

Tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền, địa phương, sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN từ đó chỉ đạo các TCTD xem xét hỗ trợ khó khăn; kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh xử lý đối với các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền. 

Các TCTD triển khai và chỉ đạo các chi nhánh loại II, phòng giao dịch trực thuộc chủ động xây dựng phương án, bảo đảm cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục trong mọi tình huống. Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch như: Cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới… theo đúng thẩm quyền và quy định.

Thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, DN. Căn cứ năng lực, khả năng tài chính của đơn vị và đề xuất với ngân hàng cấp trên hỗ trợ để thực hiện giảm lãi suất cho vay; công khai, công bố chính sách hỗ trợ để người dân, DN được biết. 

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về quy trình, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng, nhất là khách hàng ở khu vực đang có dịch, vùng cách ly y tế không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch nhằm bảo đảm vừa phòng dịch vừa đáp ứng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn…

P.T