LTS: Vĩnh Phúc, cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng Châu thổ sông Hồng là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, vì vậy đây là tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Với việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, chú trọng công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.
Kéo theo đó là nhu cầu về tiêu thụ hàng hóa, không ít các cửa hàng lớn, siêu thị được đầu tư nhằm đáp ứng những nhu cầu mua sắm của khách hàng. Tuy nhiên, tại Vĩnh Phúc không ít các cửa hàng, siêu thị còn bày bán các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm những quy định của pháp luật về hàng hóa, gây tác động tiêu cực không nhỏ liên quan đến sự minh bạch của thị trường.
Những tác động tiêu cực mà nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ mang lại cho xã hội là không nhỏ, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính... đây được coi như một vấn nạn.
Mặc dù vấn nạn này đang được các cấp các ngành liên tục đấu tranh, triệt phá, tuy nhiên thực trạng hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn đang diễn ra một cách công khai trên địa bàn tỉnh.
Để rộng đường dư luận, phóng viên (PV) Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã thực tế và ghi nhận một số điểm kinh doanh nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc về vấn nạn này.
Bài 1: Thấy gì từ việc bày bán hàng hóa tại các điểm kinh doanh lớn của Vĩnh Phúc?
Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tại trạm dừng nghỉ Vĩnh Phúc
Đặt tại Km25 Nút giao IC4 Kim Long, Vĩnh Phúc, trạm dừng nghỉ IC4 được biết đến là trạm dừng chân đầu tiên trên chuyến hành trình cao tốc theo hướng Nội Bài – Lào Cai. Trạm dừng nghỉ này không chỉ phục vụ hành khách trên cung đường cao tốc mà là điểm dừng chân của du khách mỗi khi ghé qua tỉnh Vĩnh Phúc để đến những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh.
Tại trạm dừng nghỉ, nhiều dịch vụ tiện ích được tích hợp như: trạm xăng dầu, vệ sinh, ăn uống, mua sắm tiện ích,... Mỗi ngày hàng nghìn lượt khách ra vào tấp nập.
Từ người tiêu dùng phản ánh cho biết một số quầy hàng tại trạm dừng nghỉ này bày bán hàng nhập ngoại vi phạm các quy định về tem nhãn, kinh doanh hàng hóa, PV Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã trải nghiệm và ghi nhận mới thấy những phản ánh trên là hoàn toàn có cơ sở.
Cụ thể, ngay lối đi vào khu vực vệ sinh, tại quầy hàng bày bán các sản phẩm là đặc sản địa phương, đặc sản các vùng miền. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nhập ngoại như: Bánh kẹo, nước ngọt,… cũng được bày bán tại đây.
Qua quan sát, nhiều sản phẩm bánh kẹo, nước ngọt trên bao bì in chữ nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan nhưng không có bất kỳ thông tin chỉ dẫn nào về sản phẩm bằng tiếng Việt.
Không dừng lại ở các quầy hàng bày bán bên ngoài, ngay tại khu mua sắm tiện ích của trạm dừng nghỉ cũng xuất hiện tình trạng tương tự.
Theo đó, tại khu bày bán Đặc sản các vùng miền, nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản tại các vùng miền được bày bán tại đây. Bên cạnh đó, chủ cơ sở này còn bày bán thêm nhiều sản phẩm ngoại nhập khác. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm ngoại nhập không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Cụ thể, tại quầy bày bán nước ngọt, nhiều sản phẩm trên bao bì chỉ có tem nhãn gốc in chữ Hàn Quốc, Trung Quốc và không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt liên quan đến sản phẩm.
Tại quầy đồ chơi trẻ em, nhiều sản phẩm trên bao bì ghi Made in China cũng xuất hiện tình trạng tương tự, không dán tem nhãn phụ tiếng Việt, không có tem kiểm định của các cơ quan chức năng về tính an toàn của đồ chơi dành cho trẻ em theo quy định, có dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc xuất xứ.
Trạm dừng nghỉ IC4 tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tiên nằm trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, mỗi ngày hàng nghìn lượt khách ra vào tấp nập. Chính vì vậy, lượng hàng hóa tiêu thụ mỗi ngày tại đây cũng là không nhỏ, từ đó cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng liên quan nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa đang bày bán tại đây.
Bày bán hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc tại Trung tâm thương mại SOIVA PLAZA
Nằm trên địa bàn phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Trung tâm thương mại SOIVA PLAZA được đánh giá là khu mua sắm lớn của người người dân trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên với tổng diện tích sử dụng lên đến 22.000 m2. Mỗi ngày Trung tâm thương mại này đón không ít người dân của thành phố và các vùng lân cận tham gia trải nghiệm mua sắm.
Trong chuyến khảo sát thị trường hàng hóa tại tỉnh Vĩnh Phúc, PV đã có mặt tại đây để ghi nhận thực trạng hàng hóa đang bày bán tại Trung tâm thương mại này.
Bước vào trong, ngay trước cửa ra vào là quầy hàng rộng chừng 50 – 70m2 bày bán đủ loại quần áo, giày dép, đồ chơi, thời trang trẻ em. Qua quan sát, PV nhận thấy ngoài những mặt hàng sản xuất trong nước, tại quầy hàng này còn bày bán nhiều sản phẩm nhập khẩu khác. Đáng chú ý, những sản phẩm này ngoài tem nhãn gốc in chữ nước ngoài, không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt liên quan đến sản phẩm.
Cụ thể, tại khu vực bày bán quần áo trẻ em, nhiều sản phẩm chỉ gắn tem nhãn gốc, không có thông tin về sản phẩm bằng tiếng Việt.
Di chuyển sang khu vực bày bán đồ chơi trẻ em, nhiều sản phẩm tại khu vực này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm bằng tiếng Việt, đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam, cũng như tem kiểm định của các cơ quan chức năng về tính an toàn, cảnh báo về sản phẩm.
Tại quầy bán giày dép, ngoài sản phẩm đến từ đơn vị sản xuất trong nước, chủ cơ sở này còn bày bán nhiều sản phẩm được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, trên sản phẩm chỉ có duy nhất tem nhãn gốc bằng chữ Trung Quốc, không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm bằng tiếng Việt. Đáng chú ý, một số sản phẩm còn in những logo, chữ, hình gần giống như những thương hiệu thời trang nổi tiếng như Nike,…
Ghi nhận tương tự với khu vực bán ví da, dây lưng, nhiều sản phẩm chỉ có tem nhãn in chữ Trung Quốc và không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Nhiều sản phẩm bày bán tại đây còn in logo, nhãn mác của các hãng thời trang nổi tiếng như Nike, LV, GUCCI, CHANEL,… giá của những sản phẩm này chỉ vài trăm ngàn đồng một sản phẩm.
Trung tâm thương mại SOIVA PLAZA là điểm mua sắm nổi tiếng của thành phố Vĩnh Yên, mỗi ngày khu này đón nhiều lượt khách qua lại trải nghiệm mua sắm.
Những ghi nhận về thực trạng hàng hóa trên liệu có ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng? Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các cơ quan liên quan cần kiểm tra và xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường.
Ở bài viết tiếp theo, Tạp chí Thương hiệu và Công luận tiếp tục phản ánh tới độc giả những tồn tại, bất cập về thị trường hàng hóa tại một số cơ sở mà PV ghi nhận được tại thành phố Vĩnh Yên, cũng như công tác kiểm tra kiểm soát thị trường hàng hóa của lực lượng chức năng trên địa bàn.
(Còn nữa)
T.A - T.N