PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, một trong những điểm mới căn bản của dự thảo tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đó là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực, phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là vấn đề được giáo viên, học sinh và xã hội đặc biệt quan tâm bởi với những môn thi truyền thống như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp đã thực hiện những năm qua đều theo chương trình 2006.
Dù tới đây, Lịch sử có trở thành môn thi bắt buộc hay không thì việc đổi mới ra đề thi vẫn là yêu cầu cấp thiết đặt ra, bởi chương trình nào thì kiểm tra, đánh giá theo cách đó. Đây là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), trước hết cần tập trung và huy động đội ngũ giáo viên trên cả nước xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Nếu làm mới hoàn toàn ngân hàng đề thi như dự thảo nêu theo hướng đánh giá năng lực thì cần phải chuẩn bị càng sớm càng tốt, cũng như sớm công bố đề thi tham khảo để nhà trường, thí sinh chuẩn bị”, ông Nguyễn Quốc Bình nói.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, việc thay đổi đề thi cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tất yếu. Ông cũng ủng hộ Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi, ra đề thi và đáp án, giám sát kỳ thi. Địa phương làm tất cả những việc còn lại: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, xét tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thực tế những năm qua đề thi tốt nghiệp THPT luôn là một vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận bởi mức độ khó dễ dẫn đến có những năm xảy ra tình trạng “cơn mưa điểm 10” ở một số môn.
Các trường đại học (ĐH) vì thế khó căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ở một số ngành hot do điểm chuẩn có thể kịch trần, hay xảy ra trường hợp 9 điểm/môn vẫn trượt ĐH. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề chuẩn hóa cấu trúc đề thi cần đặc biệt coi trọng.
“Đối với đề thi của kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực, có sự phân hóa phù hợp để bảo đảm vừa để xét công nhận tốt nghiệp và kết hợp đạt nhiều mục tiêu khác nhau. Dự thảo này có nhiều điểm mới quan trọng. Với những góp ý của dư luận, Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe, tổng hợp và phân tích đa chiều” PGS.TS Huỳnh Văn Chương khẳng định.
Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT đặt ra lộ trình từ năm 2025-2030 từng bước tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Ông Chương cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả từng bước tổ chức kỳ thi trên máy tính cũng là phù hợp với xu hướng quốc tế và phù hợp việc đẩy mạnh chuyển đổi số của quốc gia hiện nay, trong đó có ngành Giáo dục.
Các năm 2025, 2026, 2027, kỳ thi vẫn tiếp tục được tổ chức trên giấy; song song với đó, Bộ GD&ĐT sẽ thử nghiệm thi trên máy tính tại một số địa phương đủ điều kiện. Sau khi thử nghiệm đồng bộ, có đánh giá tác động, các điều kiện đều đáp ứng cho mỗi địa phương thì bộ mới tính toán triển khai đồng loạt.
Chia sẻ ý kiến, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cho rằng, các môn thi trắc nghiệm nếu tổ chức thi trên máy tính rất tốt, nhưng sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng và dự trù các phương án xảy ra như đường truyền internet, sự cố hỏng hóc thiết bị, đặc biệt là gian lận thi cử, vì thi trên máy tính phải kết nối mạng.
Trước đó, ngày 24/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 06/2023 sửa đổi một số điều Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư 15/2020.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã sửa đổi thành phần Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT, bỏ quy định tham gia Hội đồng với người lao động của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; giáo viên đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu và bổ sung đối tượng là giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Điều này được nhiều chuyên gia đánh giá là thay đổi kịp thời, đúng đắn góp phần chống gian lận thi cử.
Minh An (T/h)