Sử dụng pháo nổ, công cụ hỗ trợ trái phép

Khoản 3, Điều 11, Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người nào thực hiện một trong những hành vi: Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép; Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu…

Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ. Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người sử dụng pháo hoa nổ trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt nặng nhất của tội này là phạt tù từ 2-7 năm tù.

Đánh bài, cá cược ăn tiền

Theo Luật sư Lê Hiếu, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng cho biết, tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi đánh bạc trái phép. Cụ thể, phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ… hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.

Phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 28 của Nghị định này.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc.

Đặc biệt, đối với hành vi đánh bạc với số tiền, hiện vật ăn thua từ 5 triệu đồng trở lên, người đánh bạc có thể bị xử lý hình sự về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo quy định Điều 321, 322 BLHS.

Tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý

Đối với các cơ sở cung cấp, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ nếu có hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì có thể bị xử phạt theo Điều 13 Nghị định 109/2013. Cụ thể:

Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50 triệu đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:

- Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

- Tăng giá theo giá ghi trong biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi tăng giá bất hợp lý nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50-100 triệu đồng.

Mức phạt tiền cao nhất là phạt tiền từ 25-55 triệu đồng nếu có hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Tổ chức, cá nhân tăng giá bất hợp lý còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Ảnh hưởng trật tự công cộng

Luật sư Lê Hiếu cũng cho biết, với những hành vi gây rối trật tự như: Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng; tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, đánh nhau..., căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300 nghìn đến 3 triệu đồng.

Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 BLHS.

Bên cạnh đó, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP cũng quy định việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h00 ngày hôm trước đến 6h00 ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 đến 1 triệu đồng điểm a khoản 1 Điều 8 của Nghị định này.

Thiên Trường (T/h)