Những hiểm hoạ "rình rập" còn tồn động trong những mô hình chung cư mini
Chung cư mini có với quy mô từ 5 - 10 tầng, gồm nhiều căn hộ có diện tích nhỏ, thường được xây dựng xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư. Loại hình nhà ở này thường tập trung ở các khu vực có mật độ dân cư đông trên địa bàn Hà Nội như các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm,...
Trong những năm gần đây đã xảy ra hàng loạt những vụ cháy chung cư mini, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, như vụ cháy chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) vào cuối tháng 10/2022 khiến lực lượng chức năng phải điều động 4 xe chữa cháy cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, giải cứu 11 người. Được biết, chung cư xảy ra cháy có 6 tầng và một tum, diện tích mỗi tầng khoảng 50m2.
Cũng tại quận Cầu Giấy, hồi tháng 11/2019, nhiều người dân trên phố Trung Kính, cũng được phen hoảng hồn khi thấy khói lớn kèm lửa bốc lên từ tầng 8 toà nhà chung cư mini. Điển hình phải kể đến như vụ cháy chung cư mini xảy ra vào đêm 12/9, tại hẻm 29/70 đường Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã gây ra những thiệt hại to lớn. Theo Công an TP. Hà Nội vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ này đã khiến 56 người chết, 37 người bị thương, cùng với thiệt hại to lớn về tài sản. Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại các mô hình nhà ở, chung cư nói chung xuất phát từ sự chủ quan của các chủ nhà trọ trong công tác xây dựng và trang bị những thiết bị đảm bảo công tác PCCC. Bên cạnh đó, trên thực tế do ham lợi nhuận nên các chủ đầu tư phần lớn đều cho xây dựng chung cư mini vượt tầng cao, không đảm bảo điều kiện PCCC nên số lượng chung cư mini được cấp sổ đỏ cho từng căn hộ mới trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hiện tại, trên địa bàn thủ đô vẫn còn tồn tại những mô hình chung cư mini xây dựng trái phép, được biến tướng từ nhà ở riêng lẻ, vi phạm trật tự về xây dựng và hiển nhiên không tuân thủ bất kỳ một quy định nào về phòng cháy chữa cháy, thậm chí có những toà nhà xây tới 10 tầng nhưng lại không có bất kỳ lối thoát hiểm nào.
Hầu hết những loại nhà ở như vậy đều nằm trong những con ngõ nhỏ, chỉ khi chủ đầu tư và người mua căn hộ phải gọi điện mới có thể tìm được. Những mô hình nhà ở như vậy được rao bán một cách công khai trên các website, các nền tảng mạng xã hội.
Đi thực tế một vài “tòa”, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là không có chung cư nào an toàn về PCCC cả. Đấy là an toàn theo nghĩa dân a-ma-tơ tự mình đánh giá, cảm nhận, chứ còn đáp ứng các điều kiện pháp luật vốn khá chặt chẽ, khắt khe về PCCC thì còn xa lắm.
Trong khi đó, theo các quy chuẩn hiện nay, những tòa nhà như vậy đều phải có thêm một lối thoát hiểm, hệ thống ngăn cháy... nhưng do diện tích nhỏ quá nên những chung cư mini này thường không có.
Ngoài ra nhiều khu vực chung cư mini con đường đi vào có diện tích nhỏ và chật hẹp, điều này đã cản chở xe cứu hỏa, các chiến sĩ trong quá trình xử lý sự việc. Có vụ việc lực lượng cứu hỏa đã phải sử dụng nước hồ ở gần đó, rồi leo lên, dùng thiết bị cắt phá các chuồng cọp để cứu người, chữa cháy. Điều này cũng khiến việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Một thực tế cần thừa nhận rằng nhu cầu nhà ở của người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi “tấc đất, tấc vàng” là rất lớn và cấp bách.
Tìm kiếm một chỗ ở khả dĩ với chi phí hợp lý luôn là suy nghĩ của bất cứ ai. Vấn đề là, sau một thảm họa lớn như vụ cháy nhà chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, thì nhu cầu này sẽ được người trong cuộc, các đơn vị vận hành, chủ nhà, cũng như chính quyền sở tại đánh giá thế nào?.
Đẩy mạnh công tác PCCC đối với mô hình chung cư mini
Theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3 phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Hiện UBND thành phố Hà Nội đang triển khai đầu tư hơn 670 trụ nước chữa cháy và 31 hố thu nước chữa cháy trên địa bàn 7 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm), thời gian thực hiện đến năm 2025.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố đã xây dựng, duy trì 86 mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, phát động các phong trào mở lối thoát nạn thứ 2; thành lập hơn 8.500 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy... Xây dựng hơn 23.600 điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu hơn 50m.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200 m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước. Hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng, 4 bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ.
Hà Trần