Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 8/5 giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng tăng trở lại 200.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 85,20 – 87,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 9,9 USD xuống 2.314,1 USD/ounce. Sang phiên Châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên 2.320 USD, trước khi giảm về gần 2.305 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,51 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.249 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.161 – 25.461 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 63.100 USD lên 63.400 USD thì sang phiên hôm nay đã yếu dần và lùi về gần ngưỡng 62.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ Châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,17 USD (-1,49%), xuống 77,21 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,12 USD (-1,41%), xuống 81,99 USD/thùng.

VN-Index tăng nhẹ về cuối phiên

Áp lực chốt lời khiến VN-Index có thời điểm giảm hơn 13 điểm ngay từ sớm, nhưng nhờ sự khởi sắc của nhóm dầu khí đã giúp chặn đà tăng và hồi dần, có lúc còn trở lại trên tham chiếu.

Cán cân cung cầu chung của thị trường sau đó khá cân bằng, nên VN-Index chỉ dao động trong biên độ hẹp. Càng về cuối phiên, lực cầu dần chiếm lại ưu thế và giúp VN-Index thoát hiểm trong đợt ATC.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 36,59 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 1.235,83 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/5: VN-Index tăng nhẹ 1,83 điểm (+0,15%), lên 1.250,46 điểm; HNX-Index tăng 1,56 điểm (+0,67%), lên 234,52 điểm; UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (+0,52%), lên 91,57 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng trong phiên ngày thứ Ba (7/5), nhờ kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi sự sụt giảm của cổ phiếu Walt Disney đã hạn chế mức tăng chung của thị trường.

Bất chấp lực cản của Disney khi giảm gần 10%, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đang giao dịch quanh vùng cao nhất trong hơn ba tuần, sau khi báo cáo thị trường lao động suy giảm vào tuần trước đã thúc đẩy niềm tin lớn hơn vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Kết thúc phiên 7/5: Chỉ số Dow Jones tăng 31,99 điểm (+0,08%), lên 38.884,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,96 điểm (+0,13%), lên 5.187,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 16,69 điểm (-0,10%), xuống 16.332,56 điểm.

Chứng khoán Châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư chốt mức tăng gần đây sau những tín hiệu trái chiều từ Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,63% xuống 38.202,37 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,45% xuống 2.706,43 điểm.

Toyota Motor giảm 0,56% sau khi nhà sản xuất ô tô dự báo lợi nhuận giảm 20% trong năm tài chính hiện tại. Toyota Motor hôm thứ Tư đã công bố lợi nhuận hoạt động quý IV tăng khoảng 78% ở mức 1,11 nghìn tỷ yên, được thúc đẩy bởi đồng yên yếu và doanh số bán hàng vững chắc.

Đáng chú ý trên thị trường là đồng yên tiếp tục mất giá so với đồng USD, do dự báo chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ vẫn còn rộng.

Trong một dấu hiệu cảnh báo của chính quyền về sự sụt giảm đồng yên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, các động thái tiền tệ nằm trong số các chủ đề mà ông đã thảo luận trong cuộc gặp với Thủ tướng hôm thứ Ba.

Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết chính phủ sẽ không cần can thiệp nếu tỷ giá hối đoái biến động đều đặn phản ánh các nguyên tắc cơ bản.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi tâm lý thị trường đã thận trọng hơn sau đợt tăng mạnh mẽ gần đây.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,61% xuống 3.128,48 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,79% xuống 3.630,22 điểm.

Thông tin đáng chú ý trên thị trường là việc các nhà quản lý Trung Quốc đang xem xét kỹ lưỡng các giao dịch trong quá khứ và cả những tài khoản ngân hàng cá nhân của các giám đốc điều hành cấp cao nhiều doanh nghiệp, khi giới chức nước này tăng cường kiểm tra các đợt IPO. Mục đích để làm chậm tốc độ huy động vốn mới và thúc đẩy thị trường thứ cấp, theo 10 nguồn tin cho biết.

Việc kiểm tra các công ty thường liên quan đến việc thu giữ và kiểm tra điện thoại di động và máy tính xách tay của các giám đốc điều hành hàng đầu, hai trong số các nguồn tin cho biết.

Các động thái này đã dẫn đến một danh sách ngày càng tăng các công ty trong nước rút đơn đăng ký IPO. Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cho biết họ đặt mục tiêu đảm bảo chỉ những công ty chất lượng cao hoặc những công ty hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp được Bắc Kinh ưu tiên mới có thể tham gia vào thị trường.

Hơn 130 ứng cử viên IPO của Trung Quốc đã chấm dứt kế hoạch niêm yết của họ trong năm nay, dẫn đầu là việc tập đoàn hạt giống và nông nghiệp Thụy Sĩ Syngenta rút lại kế hoạch IPO trị giá 9 tỷ USD tại Thượng Hải.

Các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, là hai sàn lớn nhất của Trung Quốc đã không chấp nhận bất kỳ đơn đăng ký IPO nào kể từ đầu năm, theo trang web của họ.

Chứng khoán Hồng Kông giảm ngày thứ hai liên tiếp, khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu thương mại quan trọng của Trung Quốc trong tháng Tư.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,90% xuống 18.313,86 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,07% xuống 6.456,72 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi nhóm cổ phiếu tài chính và dược phẩm sinh học bật lên về cuối phiên.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 10,69 điểm, tương đương 0,39% lên 2/745,05 điểm.

Các công ty tài chính Samsung Life Insurance tiến 1,36% và KB Financial Group tăng 5,14%, Hana Financial Group tăng 4,3%.

Trong khi các cổ phiếu sinh học Samsung Biologics tăng 0,76% và Celltrion tăng 0,1%.

Kết thúc phiên 8/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 632,73 điểm (-1,63%), xuống 38.202,37 điểm Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,26 điểm (-0,61%), xuống 3.128,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 165,51 điểm (-0,90%), xuống 18.313,86 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 10,69 điểm (+0,39%), lên 2.745,05 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?

Tính đến cuối tuần qua, kết quả kinh doanh quý I/2024 của ngành ngân hàng cơ bản đã được công khai; trong đó, nhiều nhà băng ghi nhận những con số lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.

- Nhiều doanh nghiệp kêu gọi cổ đông "góp tiền" trả nợ

Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản lên phương án huy động vốn từ cổ đông hiện hữu nhằm thanh toán các khoản nợ vay.

- Thị trường tháng Năm khả năng có 2 kịch bản, SSI Research gợi ý 5 cổ phiếu tiềm năng

Theo SSI Research, trước khi thị trường xây lại nền tảng vững chắc, việc đa dạng và cân bằng trạng thái danh mục, nắm bắt nhanh cơ hội ở những nhịp biến động là chiến lược phù hợp nhà đầu tư cần chuẩn bị trong bối cảnh hiện nay.

- Tìm cổ phiếu có câu chuyện riêng

Thị trường chứng khoán đã xuất nhiều tín hiệu tiêu cực từ tháng 4, với áp lực từ bối cảnh trong và ngoài nước. Bình tĩnh quan sát trong sự biến động, cơ hội sẽ xuất hiện.

- Nhật Bản cảnh báo hành động trước biến động mạnh mẽ của tiền tệ

Hôm thứ Ba (7/5), quan chức Nhật Bản cho biết rằng, nước này có thể phải hành động chống lại bất kỳ động thái vô trật tự và mang tính đầu cơ nào của thị trường ngoại hối, nhằm củng cố sự sẵn sàng can thiệp của chính phủ một lần nữa để hỗ trợ đồng yên đang suy yếu.

Hà Trần (t/h)