Ảnh minh họa
Theo đó, đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình ghi nhận 185 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM) tại 8/8 huyện, thành phố. Số ca mắc cao nhất tại huyện Yên Mô với 87 trường hợp, TP Ninh Bình 30 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, bệnh TCM trong sáu tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh, tăng hơn cả số mắc cả năm của ba năm trước đây ở hầu hết các huyện, thành phố.
Các trường hợp mắc bệnh TCM có xu hướng mắc nhiều vào tháng 6 và tháng 7, muộn hơn thời điểm đỉnh dịch các năm thường vào tháng 3 đến tháng 5. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em nghỉ học từ đầu năm và đỉnh điểm là cách ly toàn xã hội trong tháng 4, vì vậy đặc điểm dịch cũng có sự thay đổi.
100% các trường hợp mắc bệnh TCM được ghi nhận đều có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ với các biểu hiện sốt, phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, xung quanh miệng, đầu gối, mông, loét miệng, quấy khóc, chán ăn. Một số trẻ có biểu hiện giật mình nhẹ khi ngủ.
Số trường hợp mắc ở phân độ 1 là 85 trường hợp (chiếm 45,7%); ở phân độ 2a là 100 trường hợp (chiếm 54,3%) và không có trường hợp mắc ở phân độ 2b trở lên.
Trước tình hình trên, ngành y tế tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi mắc và đã mắc bệnh TCM, kịp thời có phương pháp xử lý, phòng chống lây lan ra cộng đồng.
Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền như sản xuất, phân bổ 9.000 tờ rơi và 500 áp phích về phòng, chống bệnh TCM trong quá trình điều tra, giám sát, đồng thời tiến hành truyền thông nói chuyện trực tiếp tại cộng đồng và cơ sở điều trị...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc BV Sản Nhi tỉnh Ninh Bình, khoảng hai tháng gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh TCM đến khám và điều trị tại BV tăng cao. Hằng ngày, BV đón khoảng 10-20 bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh TCM. Tại phòng khám, mỗi ngày có trên 50 bệnh nhân đến khám nghi ngờ có các triệu chứng bệnh TCM.
Khánh Dương