Ngày 2/10, Sở Y tế Hà Nội ban hành Công văn số 4305/SYT-NVY về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Theo đó, Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm TP. Hà Nội tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; lưu ý các biện pháp phòng, chống cũng như vệ sinh khử khuẩn tại các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ...
(Ảnh minh họa)
Giám sát chặt tình hình dịch tại các cơ sở y tế được phân công, thường xuyên tổng hợp báo cáo từ các đơn vị trong ngành để kịp thời báo cáo và tham mưu cho Sở Y tế trong việc chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện việc triển khai phòng chống dịch; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch tay chân miệng trong trường học. Đảm bảo cung ứng đầy đủ cloramin B và trang thiết bị cần thiết cho xử lý dịch.
Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục & Đào tạo các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học. Tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho các Trạm Y tế; yêu cầu các Trạm hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ... trên địa bàn xã, phường, thị trấn biết và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục.
Tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân công giám sát; tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan. Tuyên truyền các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng.
Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu và điều trị tay chân miệng; tổ chức tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu điều trị bệnh nhân, đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh dịch để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng.
Để chủ động ngăn ngừa bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
2. Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.
3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Hằng Vương