5 đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu làm việc từ tuần này, đặc biệt tại các tỉnh, thành có số mắc tay chân miệng cao như TPHCM tăng 28,9%, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%, Kon Tum tăng 69,7%.
Cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc tay chân miệng tại hầu hết các tỉnh trên cả nước
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, Bộ Y tế vừa quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống bệnh tay chân miệng.
5 đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu làm việc từ tuần này, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có số mắc tay chân miệng cao trong bốn tháng đầu năm như TPHCM tăng 28,9%, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%, Kon Tum tăng 69,7%.
Trong đợt kiểm tra này, Bộ Y tế xem xét lại khả năng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tay chân miệng của hệ thống điều trị.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc tay chân miệng tại hầu hết các tỉnh trên cả nước. Có 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu với tác nhân gây bệnh là EV 71.
Mặc dù số mắc giảm 20% và số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013, nhưng bệnh tay chân miệng có số mắc cao tập trung ở khu vực miền Nam với 14.254 trường hợp tương đương 83,5% tổng số ca mắc trên cả nước.
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng thường có số mắc bắt đầu tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Như vậy thời điểm hiện nay là bắt đầu của vụ dịch.
Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa trong khi điều kiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường của nước ta chưa đảm bảo. Hiện căn bệnh này vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trong thời gian tới nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngay từ đầu mùa dịch.
Theo Chinhphu.vn