Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tính đến ngày 25/12/2020, tất cả các tổ chức tín dụng đã vào cuộc và thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng, với dư nợ 355.000 tỷ đồng đồng. Con số này tương đương khoảng 4% tổng dư nợ cho vay toàn ngành được cơ cấu và không bị chuyển nhóm nợ.

Mặc dù một lượng lớn nợ được giữ nguyên như trên nhưng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành được Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn tăng nhanh và vượt qua mốc 2%.

Nhìn lại báo cáo tài chính quý 3/2020 của các ngân hàng có thể dễ dàng thấy, khối lượng nợ nhóm 2 đang rất khổng lồ và vốn dĩ đã đầy tiềm tàng khả năng biến thành nợ xấu.

Việc giữ nguyên nhóm nợ đối với nhiều khoản nợ đáng nhẽ đã phải nhảy từ 1 đến 2 nhóm nợ đã phần nào làm cho bức tranh nợ xấu và chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2020 bị lệch và có phần không chính xác.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, nợ xấu nội bảng có thể nhích tăng lên 3,5-4% trong năm 2021. Thậm chí, theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, nợ xấu sẽ tăng 17% vào cuối năm 2020 và 14% vào năm 2021. Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) sẽ giảm từ 40 - 80 điểm cơ bản.

Mặt khác, nợ được cơ cấu theo Thông tư 01 thì ngân hàng không phải trích lập dự phòng nhưng hết thời hạn cơ cấu, nợ đáo hạn vẫn xấu thì phải trích lập. Khi nợ xấu đột ngột tăng sẽ kéo chi phí hoạt động tăng nhanh và ngân hàng rất sợ áp lực này.

Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ được đánh giá cao vì tính kịp thời và hữu dụng của nó đối với cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi nỗi lo về nợ xấu đang ngày càng gia tăng thì ngân hàng vẫn phải mỏi mòn ngóng văn bản sửa đổi.

Hưng Khánh