Qua nhiều lần tổ chức hội thảo đánh giá tác động môi trường, người dân và các nhà khoa học không đồng tình. Do vậy ngày 15/8, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương xin giữ nguyên quy hoạch Trung tâm điện lực (TTĐL) Long An tại xã Long Hựu Đông, H.Cần Đước và sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) để hạn chế ô nhiễm môi trường. Được biết, hiện đã có nhà đầu tư liên hệ với địa phương đăng ký thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng nguyên liệu LNG, với tổng mức đầu tư của dự án ước khoảng 5 tỷ USD.
Trong khi đó, theo văn bản trả lời của Bộ Công thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký ngày 12/9, Bộ Công thương đã giao Công ty CP tư vấn xây dựng điện 2 nghiên cứu, lập quy hoạch địa điểm xây dựng TTĐL Long An theo quy định. Và “căn cứ thực trạng địa điểm dự kiến quy hoạch TTĐL Long An tại xã Long Hựu Đông, không phù hợp để quy hoạch sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu. Do vậy Bộ Công thương không có đủ cơ sở để phê duyệt quy hoạch TTĐL Long An sử dụng LNG như kiến nghị của tỉnh”.
Tỉnh Long An kiến nghị không đầu tư nhà máy nhiệt điện bằng công nghệ đốt than. Trong ảnh là Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh (Ảnh: Trung Chánh).
Trước đó, ngày 2/8, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về dự án nhiệt điện của Long An, phía tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) muốn địa phương đầu tư dự án bằng công nghệ than với lý do sử dụng công nghệ khí hóa lỏng có chi phí giá thành cao.
Còn theo ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), cho biết đầu tư nhiệt điện than chẳng những không rẻ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, dù sử dụng công nghệ hiện đại nhất.
Cụ thể, theo ông Sính, giá điện than hiện khoảng 7,5 xu Mỹ/kWh và nếu tính thêm các tác động về môi trường, xã hội và kinh tế do ô nhiễm gây ra, thì mức giá lên đến 12,5 xu Mỹ/kWh, còn điện mặt trời chỉ khoảng 9,35 xu Mỹ.
Trong khi đó, sử dụng công nghệ siêu tới hạn (super critical) so với công nghệ tới hạn (sub critical) hiện nay, thì lượng than đốt sẽ chỉ giảm khoảng 5-7%, cho nên, lượng phát thải (khí CO2, SO2, NOx,..) cũng giảm tương ứng.
Còn với công nghệ trên siêu tới hạn (ultra super critical), thì lượng than sử dụng cũng chỉ giảm 7-10%, tức lượng phát thải chỉ giảm thêm tương ứng so với công nghệ siêu tới hạn. “Nói chung, sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn thì lượng than sử dụng giảm đi khoảng 10% so với công nghệ siêu tới hạn hiện nay, tức lượng phát thải cũng chỉ giảm được khoảng 10% thôi”, ông Sính nói.
Được biết, Trung tâm điện lực Long An được Bộ Công Thương quy hoạch với hai dự án nhiệt điện gồm Long An 1 và Long An 2 với tổng công suất 2.800 MW.
Theo ông Mai Văn Nhiều, sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã thảo luận và có văn bản kết luận: “Thống nhất giữ nguyên quy hoạch phát triển TTĐL Long An tại xã Long Hựu Đông và nghiên cứu sử dụng nhiên liệu LNG. Trong trường hợp không thể phát triển nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu LNG ở vị trí này, thì xóa quy hoạch”.
Có nghĩa là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An dứt khoát nói “không” với nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than.
Theo tính toán của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu than của Việt Nam đạt 10,34 triệu tấn, tăng 61% so cùng kỳ năm ngoái với kim ngạch đạt 1,21 tỉ USD, tăng 83,9%.
Giá than nhập khẩu vào Việt Nam trong khoảng thời gian này đạt bình quân 116,8 đô la Mỹ/tấn, tăng 14,2% so cùng kỳ. Trong đó, giá than nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 359,3 đô la/tấn, tăng 79% so với cùng kỳ, nhưng lượng nhập khẩu từ quốc gia này trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 432.730 tấn.
Ngoài ra, Indonesia, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á khác cũng là những nguồn cung cấp than chính cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2018.
Hải Đăng