THCL Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam: “Để một phút phát hiện hàng thật thì khó, nhưng cũng thời gian này, các cơ quan chức năng có thể chỉ ra tới 30 mặt hàng bị làm giả, mất an toàn. Nếu không có giải pháp căn cơ - sẽ khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn này”.
Quyết liệt với thực phẩm bẩn
Phân tích rõ thực trạng về việc mất ATVSTP, Bộ NN&PTNT chỉ rõ, công tác thanh kiểm tra của ngành trong thời gian qua cho thấy, thịt nhiễm vi sinh bình quân cả nước trong mức khoảng 15 - 16%, thậm chí có lúc lên đến 40%. Thịt nhiễm vi sinh cao chủ yếu là do khâu giết mổ và bán lẻ chưa an toàn. Thứ hai là nhiễm chất cấm, thứ ba là nhiễm kháng sinh, thứ tư là sử dụng các chất bảo quản.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2015, thành phố đã thực hiện trên 150.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt trên 20 tỷ đồng. Quý I/2016, Hà Nội đã kiểm tra trên 37.000 cơ sở, phát hiện 6.900 cơ sở vi phạm, phạt hơn 10 tỷ đồng. Dù thành phố đã triển khai quyết liệt về công tác kiểm soát ATVSTP, nhưng kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng cho rằng, tình trạng mất ATVSTP rất đáng báo động, phức tạp. Đó không chỉ là con số 5% hay 10% thực phẩm nhiễm bẩn như các bộ, ngành báo cáo.
Phân tích nguyên nhân dẫn tới nạn thực phẩm bẩn khó kiểm soát trong thời gian qua, ông Thăng chỉ rõ, do không xác định được trách nhiệm, không kỷ luật được ai, từ xã, phường, quận, huyện đến tỉnh, thành… nên hầu như không có sức răn đe. Nếu trách nhiệm chưa rõ ràng thì tình trạng này chưa giải quyết được. Bên cạnh đó là do công tác thanh tra, kiểm soát không nghiêm, có hiện tượng bao che, thông đồng vì lợi nhuận quá lớn.
Vì vậy, để giải quyết được bài toán về thực phẩm bẩn, Bí thư Thành ủy TP. HCM kiến nghị, nếu vi phạm về ATVSTP ở xã, phường thì bí thư, chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, vấn đề ATVSTP nóng như thời gian qua là do chưa thực hiện nghiêm cả từ phía cơ quan quản lý đến người dân, người sản xuất. Công tác này nếu không làm tốt, sẽ tự hủy hoại nền sản xuất cả trong nước lẫn xuất khẩu. Tồn tại yếu kém nhất hiện nay trong quản lý ATVSTP đó là để xảy ra tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng như gà nhập lậu, lòng lợn thối, chân gà thối, chất cấm…
Kiểm soát các mặt hàng tươi sống
Trong số nhiều mặt hàng thực phẩm đang lưu hành trên thị trường hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần trước mắt ưu tiên kiểm soát an toàn các mặt hàng tươi sống tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.
Thủ tướng cho rằng trong “cuộc cách mạng” về ATVSTP, nếu không quy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công. “Cuộc cách mạng này phải làm cho người dân hiểu rõ vấn đề từ sản xuất đến tiêu dùng, tố giác tội phạm đến xử lý nghiêm vi phạm. Việc sản xuất, tiêu thụ, buôn bán trái phép trên địa bàn, trong chợ của xã phường, huyện, tỉnh thì ông chủ tịch của xã đó, huyện đó, tỉnh đó phải chịu trách nhiệm cá nhân về sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, các địa phương cần phạt hành chính cao nhất, thậm chí xử lý hình sự là cần thiết trong tình hình hiện nay. Xử phạt cả nông dân sản xuất kém chất lượng, nông dân nuôi lợn có chất cấm.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ATVSTP là vấn đề nóng hổi, bức xúc của người dân, toàn bộ xã hội. Bằng tất cả các biện pháp tổng hợp, chúng ta cần phải tập trung vào giải quyết cho được. Các giải pháp trước mắt sẽ là tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc Luật An toàn thực phẩm và các quy định về ATVSTP. Cùng với đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và Chính phủ trong việc tuyên truyền, vận động và giám sát ATVSTP
Hoan - Quyền