Trước đó, trong Chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước đối hoạt động sản xuất, kinh doanh than của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh than; tình trạng khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép đã giảm, việc tiêu thụ than bất hợp pháp đã được hạn chế, góp phần cho ngành công nghiệp than phát triển bền vững, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép vẫn còn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ tái diễn; tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn khá phổ biến; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do: Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là giữa các địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than chưa chặt chẽ; có hành vi tiếp tay, bao che của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than; việc xử lý những vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh; thêm vào đó do tài nguyên than phân bố trên diện tích rộng, địa hình phức tạp và lợi nhuận bất chính từ than rất lớn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép; xử lý nghiêm theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi việc thực thi pháp luật trong hoạt động sản xuất và kinh doanh than; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh than nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh than; rà soát, sửa đổi bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ hàng hóa là khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương có liên quan tới tài nguyên đảm bảo phát triển hài hòa giữa địa phương và ngành than. Hạn chế tối đa việc cấp phép các dự án phát triển kinh tế - xã hội chồng lấn với diện tích khoáng sàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương (Thuế, Quản lý thị trường, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quan) đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện quy định về môi trường đối với các dự án khai thác, chế biến than trên địa bàn; kiểm tra các tuyến đường vận chuyển, bến bãi, cảng biển tập kết than; duy trì thường xuyên các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường bộ, sông, biển để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh than trái phép theo quy định.
PV