Nằm giữa hai dự án giao thông “khủng” của Thủ đô Hà Nội là hầm chui Kim Liên và đường Kim Liên kéo dài - con đường được mệnh danh đắt nhất hành tinh đã hoàn thành và thông xe từ lâu - là một đoạn nút thắt cổ chai tồn tại rất khó hiểu gây bức xúc trong dư luận.
Đoạn nút thắt đầu đường Kim Liên mới (Hà Nội) với các hàng quán lấn ra quá nửa con đường. (Ảnh: Hải Nguyễn)
Đó là vài nhà hàng, bãi rửa xe nằm chềnh ềnh ra tới 1/2 lòng đường. Ai? Cơ quan nào phải chịu tránh nhiệm về điểm nghẽn kỳ quặc gây ách tắc giao thông này?
Sự thật... quá buồn
Những ai thường xuyên lưu thông từ hầm chui Kim Liên lên đường Xã Đàn hoặc từ đường Lê Duẩn rẽ vào đường Xã Đàn đều phải chịu cảnh tắc nghẽn, nhiều khi đến nghẹt thở ở điểm nút gần ngay ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, đặc biệt vào những giờ cao điểm. Lý do, cả tuyến đường đang thênh thang như vậy bị thắt lại bởi những vỉa ba toa chặn ra đến giữa đường.
Nếu để ý kỹ thì thấy, phía sau những vỉa ba toa đó vẫn là nền đất, cây cối... của dân. Điều đáng nói là, tuyến đường Xã Đàn (đường Kim Liên kéo dài) từng nổi tiếng khắp cả nước là "con đường đắt nhất hành tinh" vì khoản tiền "khủng" vài ngàn tỉ đồng tiêu tốn cho 1km đường ở đây, nhưng không hiểu sao lại có chuyện đất của dân vẫn nằm chềnh ềnh giữa lòng đường như vậy.
Vì quá nghẽn đường, người tham gia giao thông phi cả lên chỗ rửa xe, hàng quán để lưu thông. Điều này không chỉ gây bức bối cho những người tham gia giao thông, mà chủ các cửa hàng ở đây cũng bực mình không kém. Vì vậy, có gia đình làm hẳn pano kích cỡ lớn, nền đỏ, chữ vàng, trưng ra chỗ đất đó để thông báo: “Phần đất của gia đình, chưa đền bù, không xâm phạm”.
Theo ông Nguyễn Tiến Lộc - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên - chính quyền địa phương phải huy động lực lượng công an, dân phòng của quận, của phường trực 24/24 giờ để phân luồng, hướng dẫn giao thông.
Tiếng kêu của dân sở tại
Ông Hoàng Châu Giang - Tổ trưởng dân phố tại đây và đại gia đình nhà ông (4 anh chị em) bị giải phóng mặt bằng (GPMB) trong đợt này - cho biết: "Tất cả những gia đình ở đây rất mong GPMB sớm ngày nào hay ngày đó, vì còn ở đây sẽ còn khốn khó. Họ đã phải chịu các loại dự án "treo" trên hai chục năm rồi. Ông Giang cho biết thêm, ngày 14/2/2014, chính quyền tháo dỡ các vỉa ba toa (do dân tự ngăn để bảo vệ đất của mình) để cho người tham gia giao thông đi lên phần đất của gia đình những hộ ở đây.
Nút thắt lấn ra giữa đường. Ảnh: Hải Nguyễn
Đồng thời, ngày nào cũng có mấy chiến sĩ công an, dân phòng đứng suốt cả ngày để phân luồng cho xe cộ đi lên đây, nên các gia đình không làm gì được. "Để bảo vệ đất của mình, ngày 20/2, chúng tôi phải lấy các vỉa ba toa ngăn lại phần đất của gia đình, đồng thời làm pano thông báo, nêu rõ phần đất của gia đình, để người tham gia giao thông hiểu và không xâm phạm đến" - ông Giang nói.
Chúng tôi cũng gặp một số người dân trong diện bị giải tỏa đợt này và không ngờ rằng, tất cả họ đều tha thiết được sớm GPMB. Ai cũng cho rằng, ở như thế này khổ lắm rồi. Cụ Lê Thị Thiêm (91 tuổi, có 4 căn nhà dành cho 4 người con đều thuộc diện giải tỏa đợt này) nói như cầu khẩn: "Nhờ nhà báo có tiếng nói giúp thế nào để chính quyền GPMB sớm đi, chứ không cứ sống kiểu này khổ lắm rồi".
Người dân nghĩ gì về dự án hoàn thiện tuyến đường này?
Ngày 14/9/2010, Sở GTVT thành phố đã phê duyệt dự án “Xây dựng hoàn thiện tuyến đường nối từ nút giao hầm Kim Liên đến tuyến đường Kim Liên mới”. Theo dự án này, tuyến đường được hoàn thiện chỉ nằm phía bên phải (hướng từ hầm chui Kim Liên đến đường Xã Đàn), dài khoảng 120m; diện tích chiếm đất khoảng 1.600m2, với tổng mức đầu tư của dự án (theo khái toán) là 47,1 tỉ đồng. Trong đó, riêng chi phí GPMB chiếm mất 89% tổng số tiền trên (gần 42 tỉ đồng).
Sau hơn 3 năm triển khai dự án, theo ông Phạm Văn Viên – Phó Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Đống Đa – Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Đống Đa vừa mới thông qua 20/22 phương án đền bù và ngày 12/2/2014, UBND TP ký văn bản chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án. Theo đó, những nhà ở vị trí 1 được đền bù tổng cộng trên 90 triệu đồng/m2. Như vậy, việc áp giá sẽ hoàn thành nhanh và sớm công bố công khai đến với người dân.
Ông Nguyễn Đình Cần là một trong số đó cho biết lý do: "Dự án này nhằm chống ách tắc, thì hà cớ gì tự nhiên lại GPMB cả đoạn từ vành đai 1 rẽ vào đình Trung Tự? Liệu phía sau của dự án này có gì khuất tất?". Ông Cần chỉ vào mốc cắm GPMB ở nhà mình (phía sát cổng đình Trung Tự) và đưa ra câu hỏi: GPMB ở đây làm gì, khi nó không phục vụ gì cho việc hoàn thiện vành đai 1. Còn nếu để làm tuyến đường mới thì sao không GPMB nhà phía trước (trụ sở HĐND và Đảng ủy phường Kim Liên - PV) và liệu có phá cả cổng vào đình Trung Tự?
Giải đáp câu hỏi này, ông Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên Nguyễn Tiến Lộc giở bàn đồ quy hoạch còn vương mùi mực. Đây là dự án làm đường mới tiếp nối từ Phạm Ngọc Thạch cắt đường Xã Đàn mới đi qua cổng đình Trung Tự, xuyên đến hồ Ba Mẫu và ra đường Lê Duẩn.
Nhưng điều cần lưu ý là, đây mới là bản đồ quy hoạch để xin ý kiến các cơ quan chức năng. Nhưng theo ông Lộc, chính việc cắt vào nhà ông Cần để phục vụ cho quy hoạch tuyến đường này. Vậy GPMB cho một dự án mới đang xin ý kiến liệu có hợp lý? Trong khi có khoảng chục gia đình cũng bị GPMB giống tình trạng như nhà ông Cần.
Đường vành đai 1 là đường vành đai đầu tiên của Hà Nội, có từ thời Pháp thuộc. Tuyến này chạy từ Nhật Tân dọc theo sông Hồng xuống phía nam, toàn bộ phố Nguyễn Khoái, đường Trần Khát Chân, đường Đại Cồ Việt, đường Xã Đàn, đường Đê La Thành, đường Lạc Long Quân. Các dự án mở rộng đường vành đai 1 đã hoàn thành đoạn từ Ô Đống Mác đến Hoàng Cầu (tức các đường Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn). V.H |
Theo LĐ