Bị cáo không tư lợi, không cố ý làm trái!
Sáng 22/3, Đại diện Viện kiểm sát đã luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) cùng 6 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank). Bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị mức án 18-19 năm tù.
Ông Thăng tự bào chữa trước tòa
Cầm tập tài liệu dày trên tay, bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa trước tòa, ông khẳng định "bản thân luôn trong sạch, không tư lợi, không cố ý làm trái".
Bị cáo cho rằng, chủ trương góp vốn vào Oceanbank không phải là chủ trương ban đầu của PVN mà đây là phương án giải quyết hệ lụy của chủ trương thực hiện đề án thí điểm kinh tế kinh doanh đa ngành và việc dừng thành lập ngân hàng Hồng Việt.
Để có cơ sở báo cáo HĐQT, ông Thăng đã làm việc với nhiều đối tác, trong đó chỉ duy nhất có Ngân hàng Đại dương chấp nhận các điều kiện do PVN đưa ra, trong đó có việc tiếp nhận toàn bộ nhân sự, cơ sở vật chất trù bị của ngân hàng Hồng Việt.
“Việc ký thỏa thuận này là chủ trương đã được HĐQT biết và thống nhất. Trong thời gian đó, bị cáo đã trao đổi với các thành viên HĐTV. Tại cuộc họp ngày 30/9/2008, bị cáo đã báo cáo HĐQT là đã thỏa thuận với Oceanbank và đã ký thỏa thuận với ngân hàng này. Đề nghị các thành viên HĐQT cho ý kiến thì thông qua thực hiện, không đồng ý thì thỏa thuận này không có giá trị. Bị cáo không úp mở, không che giấu việc này” – bị cáo Thăng nói.
Ông Thăng cho rằng, bản thân không có hành vi ‘che giấu hay né tránh’ như quy kết của VKS. Trong các quy định hiện hành, việc ký các thỏa thuận với tư cách Chủ tịch HĐTV thì không phải báo cáo, xin phép ai. Chỉ có Nghị quyết và quyết định của HĐQT thì mới phải có ý kiến của thành viên HĐQT.
“Việc đầu tư vào Oceanbank cần 2 điều kiện cần và đủ là: được sự đồng ý của Thủ tướng; phải có Nghị quyết của HĐQT. Việc đầu tư vốn của PVN vào Oceanbank đã đáp ứng đủ 2 điều kiện trên. Thực tế ở PVN không có nghị quyết nào không được 100% đồng ý cả, bởi vì chỉ cần 1 người không đồng ý thì bị cáo sẽ cho dừng lại. Việc đầu tư vào Oceanbank hoàn toàn đúng chủ trương, quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật. Chỉ khi Thủ tướng đồng ý thì PVN mới thực hiện đầu tư. Đây là sự thật, bị cáo không hề né tránh” – bị cáo Thăng trình bày.
Đối với công văn của Bộ Tài chính về việc góp vốn, bị cáo Thăng cho rằng, đó là công văn trả lời Văn phòng Chính phủ chứ không phải là công văn trả lời PVN, không hướng dẫn PVN thực hiện đầu tư.
Đối với lần góp vốn thứ 3, ông Thăng vẫn khẳng định, khi đó ông đi công tác. Ông ủy quyền cho cấp dưới điều hành chứ không ủy quyền ban hành nghị quyết hay biểu quyết.
Trong các quyết định chấp thuận của các cơ quan nhà nước cũng đều ghi rõ cổ đông PVN là 800 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ. Chứng tỏ việc này đã được các cơ quan nhà nước cho phép.
“Vì vậy, việc góp vốn 100 tỷ lần 3, theo nhận thức của bị cáo, các cá nhân được ủy quyền và các thành viên HĐQT là được phép, họ không vi phạm” – ông Thăng nói.
VKSND Tối cao truy tố ông Thăng là có căn cứ
Trước đó, trong phần luận tội, VKS xác định, ông Thăng ký thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm - nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT. Quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Đặc biệt ở lần góp vốn thứ 3, biết rõ trái luật, cổ phần vượt quá chuẩn cho phép, theo VKS lẽ ra phải chỉ đạo PVN thoái vốn nhưng ông Thăng cố tình không thực hiện mà còn cử người làm đại diện phần vốn góp 20% vào Oceanbank. Việc ông Thăng khai tại tòa rằng không biết gì về lần góp vốn thứ 3 là thể hiện sự chối bỏ trách nhiệm của bản thân và đồng phạm.
Theo đại diện VKS, từ chủ trương góp vốn của bị cáo Thăng, đến nay, toàn bộ 800 tỷ đồng tiền vốn của PVN bị mất hoàn toàn. Oceanbank bị âm vốn chủ sở hữu, thua lỗ nghiêm trọng, NHNN đã phải mua lại 0 đồng. Hậu quả này là thực tế đã được các cơ quan chức năng xác nhận, quyền và nghĩa vụ của PVN đã chấm dứt đối với số tiền 800 tỷ đồng.
Như vậy, đủ cơ sở kết luận: Bị cáo Thăng biết năng lực yếu kém của Oceanbank và biết rõ việc PVN muốn đầu tư vốn vào Oceanbank thì phải xin ý kiến và được sự đồng ý của Thủ tướng, nhưng bị cáo đã cố ý làm trái. Bị cáo còn có hành vi nhằm hợp thức hóa hành vi vi phạm, làm trước báo cáo sau.
Tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, mình đã làm đúng, đã thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, né tránh, bao biện, thể hiện sự coi thường pháp luật. Hành vi của bị cáo Thăng đủ căn cứ buộc tội Cố ý làm trái về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước và PVN 800 tỷ đồng. VKSND Tối cao truy tố bị cáo tội Cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ và đúng pháp luật./.
PV(T/h)