Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP tại Nhà Trắng hôm 23/1/2017 - Ảnh: Getty/CNBC.
Ngoài ra, ông Trump cũng bày tỏ tin tưởng Mỹ đang tiến tới giải quyết được xung đột thương mại với Trung Quốc mà không gây ra gián đoạn về kinh tế.
Theo hãng tin Bloomberg, một tuần sau khi dọa áp thuế đối với thêm 100 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến căng thẳng giữa hai nước gia tăng mạnh, ông Trump nói rằng hai nước rốt cục có thể sẽ không đánh thuế hàng hóa của nhau.
"Hiện tại, chúng tôi thực sự đang đàm phán và tôi cho rằng họ sẽ đối xử với chúng ta thực sự bình đẳng", ông Trump nói trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng với các thống đốc và nghị sỹ Cộng hòa đến từ các tiểu bang sản xuất nông nghiệp của Mỹ. "Tôi nghĩ là họ muốn thế".
Phát biểu trên của người đứng đầu Nhà Trắng là một tín hiệu hòa giải nữa sau khi những đề xuất "ăn miếng trả miếng" thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến thị trường tài chính nhiều phen rúng động. Ông Trump cũng phát tín hiệu rằng các cuộc thảo luận giữa Mỹ, Mexico và Canada đang dẫn tới sự đàm phán lại thành công về Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA).
Sau khi các nhà báo đã rời khỏi phòng họp, ông Trump nói với các nghị sỹ rằng ông đã chỉ đạo cố vấn kinh tế Larry Kudlow và đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer tìm hiểu về tái gia nhập TPP. Thượng nghị sỹ Ben Sasse, một trong những người có mặt, đã thuật lại tuyên bố này của ông Trump với các nhà báo sau khi kết thúc cuộc gặp.
"Ông ấy nhiều lần tái khẳng định rằng việc gia nhập TPP vào lúc này có thể dễ dàng hơn", ông Sasse nói.
Nhà Trắng sau đó đã lên tiếng xác nhận phát biểu của ông Sasse. "Tổng thống luôn nói ông ấy để ngỏ khả năng cho một thỏa thuận tốt hơn cho nước Mỹ", phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters nói trong một tuyên bố. "Để đạt mục tiêu đó, ông đã đề nghị ông Lighthizer và ông Kudlow xem xét đã có một thỏa thuận (TPP) tốt hơn hay chưa".
Ông Trump rút Mỹ khỏi TPP ngay trong tuần đầu tiên làm Tổng thống Mỹ. Thỏa thuận, được coi là một đối trọng đối với sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, đã được đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama nhưng chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Sau khi Mỹ rút đi, 11 quốc gia còn lại, chiếm 13% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản và Canada, đã hoàn tất phiên bản điều chỉnh của thỏa thuận vào tháng trước. Thỏa thuận cũng đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng cũng có khi được gọi là TPP 11.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump phát tín hiệu muốn quay lại TPP. Hồi tháng 2, ông đã để ngỏ khả năng trở lại TPP trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Malcolm Turnbull của Australia, quốc gia cũng là một thành viên của thỏa thuận.
Một quan chức Nhà Trắng nói rằng ông Trump thích đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương hơn, nhưng một thỏa thuận đa phương với các nước TPP sẽ giúp Mỹ đối trọng với sự cạnh tranh của Trung Quốc và nhanh chóng hơn là đàm phán riêng với từng nước trong TPP 11.
Phát biểu vào ngày thứ Năm, ông Trump cũng đề cập đến bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, xem đây như tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hơn cánh cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ. "Ông ấy sẽ cắt nhiều loại thuế và thuế quan", ông Trump nói về ông Tập.
Phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao vào hôm thứ Ba tuần này, ông Tập đã hứa về một "giai đoạn mở cửa mới". Tuy không đề cập đến ông Trump, bài phát biểu tái khẳng định hoặc mở rộng thêm những đề xuất về tăng nhập khẩu, nới hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài trong ngành sản xuất và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - đều là những vấn đề mà ông Trump phàn nàn trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ông Trump thực sự xem bài phát biểu này của nhà lãnh đạo Trung Quốc như một tín hiệu hòa giải. Ngày thứ Năm, ông Trump một lần nữa nói đây là một "bài phát biểu tốt đẹp". Trước đó, vào hôm thứ Ba, ông Trump đã lên mạng xã hội Twitter để cảm ơn ông Tập về "những lời tốt đẹp về thuế quan".
Về điều chỉnh NAFTA, ông Trump cho biết cuộc đàm phán đang "diễn ra tốt đẹp", nhưng khong cho biết thời hạn cụ thể các bên có thể đạt thỏa thuận. Ông nói thỏa thuận có thể đạt được trong vài tuần hoặc 5 tháng.
"Tôi không bận tâm", ông nói và khẳng định Mỹ sẽ có được một thỏa thuận tốt và "ngành nông nghiệp Mỹ sẽ được chăm sóc" với thỏa thuận mới.
An Huy - vneconomy