Petrolimex muốn giãn tiến độ thoái vốn Nhà nước do ế cổ phần - Hình 1

Petrolimex muốn giãn tiến độ thoái vốn Nhà nước

Trong công văn gửi Bộ Công Thương, Nhóm đại diện vốn tại Tập đoàn cho rằng, thực tế thị trường cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đa phần đều diễn ra không thuận lợi và không thành công. Số lượng bán rất thấp hoặc phải hoãn, hủy, lùi việc thực hiện.

Đơn cử, Tập đoàn Cao su Việt Nam (chỉ bán được 1/5 số cổ phần chào bán), thương vụ IPO của Tổng công ty Phát điện 3 (bán chưa được 3%). Đợt thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải cũng thất bại khi không có nhà đầu tư đăng ký mua; Phiên đấu giá cổ phần của VTVCab mới đây cũng phải hủy bỏ do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá: Đợt chào bán quyền mua cổ phần của Vietnam Airlines do Bộ Giao thông Vận tải tiến hành cũng thất bại khi không bán được quyền mua nào.

Bối cảnh không mấy thuận lợi khiến Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến thực hiện trong năm 2018 như Công ty nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Dược Domesco,… đều phải xin hoãn lại.

Ngoài việc xin giãn thời hạn thoái vốn, Petrolimex cũng đề xuất được mở room ngoại cho Tập đoàn lên 49%, từ mức 20% vốn điều lệ như hiện tại. Việc kiến nghị nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo Petrolimex là nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thành công việc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp này.

Việc nới room cho nhà đầu tư ngoại từng được Petrolimex kiến nghị trước đây, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo tạm thời duy trì room ngoại tại Petrolimex không quá 20% vốn điều lệ.

Trong công văn này, người đại diện vốn tại Petrolimex cho rằng nếu theo tỷ lệ cho phép tối đa của Chính phủ là 20% thì tỷ lệ còn lại dành cho nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn hơn 9%, tương đương 116 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ 9% này quá nhỏ không đủ hấp dẫn và khó thu hút được dòng vốn ngoại đầu tư mua cổ phiếu của Petrolimex.

Thực tế những năm qua cho thấy quy mô thị trường vốn của Việt Nam ở mức khiêm tốn. Việt Nam thường đứng nhóm cuối trong các bảng chỉ số về thị trường vốn, do vậy dòng vốn nước ngoài vẫn luôn được đánh giá là rất quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, năm 2017, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn mua ròng ở Việt Nam với giá trị lên tới gần 47.000 tỷ đồng.

Theo Petrolimex, đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đang mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp và gián tiếp vào thị trường xăng dầu để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

Ví dụ như trường hợp của Công ty Idemitsu Q8 là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài đã cấp phép kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam và rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã mua cổ phần của các công ty kinh doanh xăng dầu đang niêm yết như Petrolimex, Comeco, Timexco, Công ty Thương nghiệp Cà Mau…

Gần đây nhất, Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa cho PV Oil, trong đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PV Oil với room ngoại 49%.

Hằng Vương (t/h)