Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm năm 2022 của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã biểu dương những nỗ lực của Cục Xúc tiến thương mại trong thời gian qua. Cục đã chủ động và rất tích cực tham mưu cho Bộ để Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xúc tiến thương mại. Tham mưu và tổ chức được nhiều hoạt động trong khuôn khổ chương trình Thương hiệu quốc gia, được các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá rất cao. Tham mưu và có nhiều sáng tạo, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số kết nối khách hàng online, tham gia triển lãm trên môi trường số…
Xúc tiến thương mại đã góp phần tiêu thụ hàng chục triệu tấn nông sản tới vụ trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19; đáp ứng nhu cầu cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, đồng thời góp phần quan trọng, tích cực trong xây dựng thương hiệu, và giới thiệu hàng hóa Việt Nam ra thế giới.
Song Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua, đó là sự gắn kết giữa xúc tiến thương mại với cả quá trình sản xuất còn hạn chế, cắt khúc; Sự gắn kết giữa các tổ chức xúc tiến thương mại cụ thể là Cục xúc tiến thương mại với các hiệp hội, doanh nghiệp, các liên minh hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng đã có nhưng chưa đạt yêu cầu; Và công tác xúc tiến thương mại vẫn thiếu vai trò của “nhạc trưởng”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được dự báo còn phức tạp và khó lường, sẽ tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội toàn cầu; cùng với đó là chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng và dự báo lạm phát toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho Cục Xúc tiến thương mại, đó là:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm của các nước… tích cực tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý thu lợi cho xúc tiến thương mại. Đặc biệt, khẩn trương tham mưu cơ chế quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, tránh thất thu thế, lừa đảo, chất lượng hàng hóa, dịch vụ kém…; Cơ chế phối hợp trong xúc tiến thương mại giữa các Bộ, ngành, địa phương tránh chồng chéo, trung lắp, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại theo hướng gắn kết giữa việc xúc tiến thương mại với việc định hướng và điều chỉnh quá trình tổ chức sản xuất của người sản xuất và của các doanh nghiệp; phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các tổ chức xúc tiến thương mại với các hiệp hội, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp và người sản xuất. Chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn đối với một số mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực, thị trường xuất nhập khẩu có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, phối hợp lồng ghép xúc tiến thương mại và xuất khẩu các hoạt động xúc tiến của Trung ương với các địa phương nhằm khai thác, phát huy hiệu quả do các hiệp định thương mại tự do mang lại, nhất là các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP …để tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một tình trạng một số thị trường.
Thứ ba, Cục Xúc tiến thương mại cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các đơn vị chức năng ngoài ngành như Cục chuyên nghành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hoặc các Bộ ngành, và Sở Công Thương của các địa phương, đặc biệt là với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị liên quan để nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào hoặc các nguyên liệu sơ cấp, phục vụ cho ngành vật liệu phát triển, phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển công nghiệp thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể chiếm lĩnh những khâu tạo ra giá trị gia tang lớn trong chuỗi giá trị.
Thứ tư, tiếp tục ưu tiên các chương trình nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, tổ chức xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất nhập khẩu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường làm cơ sở phát triển, hoàn thiện sản phẩm, sẵn sàng cho xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường và yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Thứ năm, từng bước tham mưu, thiết lập và vận hành có hiệu quả hạ tầng cứng và mềm, dùng chung cho hoạt động xúc tiến thương mại của cả nước như việc hình thành Trung tâm Xúc tiến thương mại quốc tế ở Hà Nội, Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, Hệ thống Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại … Quan trọng hơn, Cục xúc tiến thương mại cần chú trọng công tác củng cố các thiết chế các Tổ chức bộ máy trong nội bộ của mình. Lãnh đạo Cục tuy hoạt động công việc chuyên môn nhưng cũng cần củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể và phát huy được vai trò của Đảng viên. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thiết chế để thiết lập kỷ cương, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, hiệu quả trong công việc chung. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, cán bộ quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu.
Anh Minh