Chiều 23/5/2023, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Giá (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.
Căn cứ các kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình là 161.848,315 tỷ đồng. Số vốn còn lại, chưa phân bổ là 14.151,685 tỷ đồng.
Về khả năng giải ngân vốn của Chương trình, Bộ trưởng cho biết, kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023, đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 137.844 tỷ đồng. Phần lớn dự án thuộc Chương trình là dự án khởi công mới, khó có thể giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, địa phương có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng. Do đó, việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình là hết sức quan trọng, cấp thiết.
Bộ trưởng cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự giám sát và đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, cân đối vốn ngân sách nhà nước để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại chưa được báo cáo, thu hồi theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, HĐND cấp tỉnh giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để thu hồi vốn ứng trước của từng nhiệm vụ, dự án.
Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thu hồi ứng trước vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Thái Bình (Th)