Ngày 8/7, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV tổ chức kỳ họp thứ 22, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự và chỉ đạo cuộc họp.
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội thông tin tới đại biểu, cử tri tỉnh Ninh Bình những kết quả về kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật và nhiều nội dung quan trọng khác.
Về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả phát triển mà tỉnh Ninh Bình đạt được. Dự báo 6 tháng cuối năm với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra cho đất nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND tỉnh Ninh Bình tập trung nâng cao năng lực cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 103 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thể chế hóa, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể trong từng lĩnh vực.
Khẩn trương hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng có tính lan tỏa, kết nối các vùng trong tỉnh và với khu vực đồng bằng sông Hồng. Chú trọng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách trong đó đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp theo hướng khu công nghiệp đô thị sinh thái, phát huy hiệu quả đại lộ Đông - Tây.
Tăng cường các hoạt động khảo cổ, phục dựng, bảo tồn và phát huy di tích, di sản, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình, đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, đưa du lịch dịch vụ vào thời kỳ tăng tốc với các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao; tiếp tục, quan tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế đồng bộ với phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Thực hiện các chỉ tiêu, chỉ số phát triển như: CPI, PAPI, PAR INDERX, SIPAS, chỉ số phát triển con người (HDI), đặc biệt cần chú trọng nâng cao chỉ số hạnh phúc (HPI).
Cùng với đó là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, nhất là việc rà soát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; đánh giá, tổng kết từ thực tiễn hoạt động của HĐND các cấp tiến tới phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng các cấp.
Đồng thời, khẩn trương quán triệt, triển khai các luật và các nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức, bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực thi hành....
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tin tưởng với những kết quả tốt đẹp đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nắm vững cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
"Phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á", Phó Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng.
Vân Anh