Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Sỹ, cho biết: Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không phục hồi. Kỹ thuật ghép tạng được xem là một trong mười thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong 10 phát minh về khoa học kĩ thuật làm thay đổi cuộc sống nhân loại.
Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, giác mạc... và đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật cao về ghép mô, tạng, sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, cả nước đã có 26 trung tâm ghép tạng với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực và kỹ thuật tiên tiến. Trong hai năm gần đây, mỗi năm Việt Nam ghép hơn 1.000 ca, đứng số 1 Đông Nam Á về số ca ghép tạng/năm.
Tại Thanh Hóa, tháng 6 năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiênvà là Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận từ người cho chết não.
Đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công 21 ca ghép thận, hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận, trong đó có nhiều ca ghép khó như ghép thận từ người cho chết não, người cho và người nhận khác nhóm máu, có nhóm máu hiếm, có hiệu giá kháng thể cao...
Tuy nhiên, hiện nay nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam nói chung và tại Thanh Hóa nói riêng chủ yếu từ người hiến sống. Nguồn hiến từ người chết, chết não còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng. Trong số 21 ca ghép thận thành công tại Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ có 2 ca được ghép từ người cho chết não.
Tỷ lệ đăng ký hiến mô, tạng của người dân nói chung và đặc biệt tỷ lệ hiến mô, tạng sau khi chết não tại Việt Nam còn rất thấp. Hiện nay, cả nước mới có hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, trong khi đó có hàng chục ngàn người bệnh đang mòn mỏi từng ngày chờ được ghép mô, tạng.
Hưởng ứng Lễ phát động Chương trình đăng ký “Hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức, Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Thanh Hóa kêu gọi tất cả cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nói riêng và ngành Y tế Thanh Hóa nói chung; người dân đủ điều kiện hãy tham gia đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Hãy lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của việc đăng ký hiến mô, tạng tới mọi người trong cộng đồng để tiếp nối hy vọng, mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh đang chờ hiến mô, tạng.
Nhân dịp này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ban Chấp hành Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa, gồm 37 thành viên do TTND, BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa làm Chi hội trưởng.
Tại Thanh Hóa, để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký hiến tạng, liên hệ số điện thoại Tổng đài 19001536 hoặc nhắn tin fanpage Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Lê Huy