Mang lại hiệu quả tích cực

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Cẩn, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - VIPRI, các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ (TSTT) tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so doanh nghiệp không sở hữu TSTT.

Doanh nghiệp (DN) có sở hữu TSTT, kết quả kinh doanh tăng 36% đối với sáng chế, 21% đối với nhãn hiệu, 32% đối với kiểu dáng CN (theo khảo sát hơn 127.000 công ty từ 28 nước thành viên EU trong 13 năm 2007 – 2019 của một tổ chức thế giới).

Thương hiệu cộng đồng, giúp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đa dạng sinh học, thúc đẩy sản xuất, thương mại, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản chủ lực của Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Cẩn đưa ra một vài ví dụ cụ thể: Mật ong bạc hà - cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), sau khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá bán tăng từ 250.000 đồng/lít, lên 450.000 đồng/lít, bưởi Phúc Trạch, tăng 20 - 25%, cam Vinh 50%, chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam) 100 -130%, cam Cao Phong 50 - 70%, (diện tích tăng lên 50%)...

Với nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Chư Sê” (tỉnh Gia Lai), sản phẩm được XK sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” (địa lan, hồng, cẩm chướng, lay ơn, cát tường và ly ly…) đã giúp khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị.

Bưởi Phúc Trạch sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá bán tăng 20 - 25%
Bưởi Phúc Trạch sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá bán tăng 20 - 25%

Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT): Chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước, cơ bản đầy đủ từ Trung ương tới địa phương - đã tạo hành lang pháp lý khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy việc tạo ra, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển TSTT.

Luật SHTT quy định rõ ràng, đầy đủ các vấn đề có liên quan: Công nhận và bảo hộ quyền SHTT của các chủ thể; hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền SHTT phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền SHTT; ưu tiên đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực SHTT.

Về tình hình phát triển TSTT giai đoạn 2013 - 2023, số liệu thống kê đơn đăng ký SHTT: Sáng chế, giải pháp hữu ích tăng bình quân 9,11%/năm. Đơn sáng chế của nước ngoài cao gấp 8 lần so Việt Nam; đơn giải pháp hữu ích của Việt Nam cao gấp 2,27 lần so nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng đơn giải pháp hữu ích 8,82%/năm, cao hơn so đơn nước ngoài.

Kiểu dáng công nghiệp: Tổng số đơn của Việt Nam cao hơn 62,3% lần so nước ngoài; tốc độ tăng bình quân 4,36%.

Nhãn hiệu: Tổng số đơn của Việt Nam cao hơn 4,28 lần, so nước ngoài; văn bằng bảo hộ cao hơn 8,23 lần. Tốc độ tăng bình quân 7,92%.

Hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng quyền SHTT: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 5,87%, trong đó hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng là 3,02%; hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu là 7,83%.

Tình hình phát triển nhãn hiệu cộng đồng cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương:

Tính đến tháng 12/2023, có 131 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 chỉ chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 118 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển TSTT, đã phê duyệt 26 nhiệm vụ hỗ trợ phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực từ nguồn kinh phí Trung ương, 122 nhiệm vụ từ nguồn kinh phí địa phương.

Các hoạt động hỗ trợ - đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ, sang sản xuất tập trung; từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do, sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo hộ quyền SHTT được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng; góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy, tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Sự kết nối chặt chẽ giữa Chương trình phát triển TSTT và Chương trình OCOP - giúp thúc đẩy khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu, văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP…

Thúc đẩy hoạt động sáng tạo

Các chủ thể Việt Nam, chủ yếu quan tâm đến sáng chế, kiểu dáng CN. Điều đó cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, mặc dù khá sôi động (thông qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng CN và nhãn hiệu), nhưng chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao.

Số lượng đối tượng SHTT được chuyển giao, chuyển nhượng chiếm tỷ lệ nhỏ so số lượng đơn được nộp và các văn bằng bảo hộ được cấp, chứng tỏ hoạt động quản lý, khai thác TSTT nói chung và sáng chế nói riêng, chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa các tác nhân sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mang địa danh còn lỏng lẻo, do việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm là hoạt động phức tạp, có liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau và đòi hỏi các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị đó phối hợp, hợp tác cùng tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị.

Người tiêu dùng ít có thông tin và chưa hiểu biết đầy đủ về sản phẩm được bảo hộ SHTT, trong khi đây là tác nhân đóng vai trò quyết định đến sự phát triển thị trường tiêu thụ và thương hiệu sản phẩm…

Từ đó, đại diện Cục SHTT đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác hỗ trợ phát triển TSTT. Đó là:

Tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra TSTT, nhất là cho các nhóm chủ thể DN và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương; đổi mới cách tiếp cận, xem SHTT như công cụ để bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị, chứ không chỉ là mục tiêu, kết quả cuối cùng là sản phẩm được bảo hộ;

Định kỳ có khảo sát, đánh giá về các kết quả, tồn tại, khó khăn của công tác quản lý, khai thác, phát triển TSTT; triển khai nghiên cứu xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản ưu tiên đăng ký bảo hộ TSTT giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng; tăng cường sự tham gia của DN trong việc đặt hàng, giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng từ nhu cầu, đề xuất của DN;

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về quản lý, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm được bảo hộ; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, khai thác nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo bộ; thúc đẩy hoạt động quảng bá, thương mại, gắn với các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch, OCOP…;

Tiếp tục tăng cường năng lực (kỹ thuật, quản lý, thương mại) cho cán bộ chuyên môn, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham quan quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT nói chung và nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nói riêng ở nước ngoài…

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Cẩn đưa ra một số khuyến nghị:

Việt Nam cần thúc đẩy hoạt động sáng tạo TSTT có giá trị kinh tế (chú trọng phát triển TSTT có hàm lượng trí tuệ cao như sáng chế, công nghệ); chú trọng khâu quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm chứa TSTT; bảo đảm danh tiếng, uy tín của sản phẩm;

Nâng cao hiệu quả khai thác, thương mại hóa TSTT; phát triển các công cụ quảng bá sản phẩm; nâng cao năng lực của nhân sự quản lý về quản trị TSTT; chú ý sử dụng công cụ SHTT ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ…

Hà Thu