Giá một đằng, thu một nẻo

Chùa Lôi Âm là ngôi chùa thiêng ở phường Đại Yên, TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Ngôi chùa cổ tọa lạc ở khoảnh đất bằng phẳng, rộng lớn, trên lưng dãy núi Lôi Âm cao 503 m.

Năm 1997, chùa Lôi Âm được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Để đến được chùa Lôi Âm, du khách thập phương phải di chuyển bằng đò máy qua lòng hồ Yên Lập và đi bộ gần 2 km đường đồi mới lên được chùa. Ngày 27 tháng Giêng hàng năm là ngày Giỗ tổ chùa, vào ngày ấy rất đông du khách đến làm lễ cầu an lành.

Phí trông giữ chùa Lôi Âm (Đại Yên, Hạ Long): Giá một đằng, thu một nẻo? - Hình 1

 Giá vé gửi xe máy - xe đạp điện được niêm yết 5000 đồng/lượt, thế nhưng thực tế du khách bị "chặt chém" tới 10.000 đồng/lượt

Được biết, Công ty CP Đầu tư Nguyên Tâm là đơn vị được TP. Hạ Long giao cho quản lý và khai thác chùa Lôi Âm, bao gồm dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy, dịch vụ đò máy qua đập Yên Lập…

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV vào ngày 1/3, tại bãi gửi xe máy, do Công ty CP Đầu tư Nguyên Tâm quản lý, phí trông giữ của xe máy và xe đạp điện được niêm yết là 5.000 đồng/lượt, thế nhưng, người thu lại trực tiếp thu 10.000 đồng của du khách.

“Theo thói quen, khi họ ghi vé thì tôi hỏi bao nhiêu, họ bảo 10.000 đồng là tôi đưa. Đến khi nhận vé vào gửi xe rồi xem vé mới tá hỏa là vé niêm yết có 5000 đồng, ra hỏi thì họ không nói gì”, anh Nguyễn Tuấn Anh, du khách đến từ phường Cao Thắng, TP. Hạ Long cho biết.

Không chỉ riêng anh Tuấn Anh, chị Nguyễn Lan Hương, du khách  đến từ Hải Phòng cũng chia sẻ: “Do giáp với Quảng Ninh nên Tết năm nào gia đình tôi cũng thong dong xe máy đi các chùa ở Quảng Ninh, đồng ý là đi chùa không tính toán, thế nhưng thu vé xe như thế này thì đội lên gấp đôi rồi còn gì. Mà quan trọng hơn cả, đây là doanh nghiệp được Nhà nước giao phó mà lại làm ăn thế này thì người dân mất niềm tin quá”.

Cũng theo chia sẻ của du khách, vì chỉ có một bãi gửi xe máy duy nhất để nên chùa, dù biết bị doanh nghiệp nhà nước “chặt chém” họ vẫn phải mang xe vào gửi.

“Ở đây, bao nhiêu năm rồi cũng chỉ có một bãi gửi xe này nên dù biết là bị chặt chém nhưng chúng tôi vẫn phải gửi để hành hương về với đất phật”, bà Trần Thị Lan, du khách đến từ Uông Bí cho hay.

Thiết nghĩ, nếu như các điểm trông giữ xe tự phát cố tình “chặt chém” du khách đã đành, thế nhưng, đường đường là một đơn vị được UBND TP. Hạ Long giao cho quản lý và khai thác chùa Lôi Âm, tại sao lại có hành vi “chặt chém” khách như vậy?

Dịch vụ đò máy lộn xộn, không đảm bảo an toàn

Có mặt tại đò máy số hiệu QN7128 vào lúc 10h hơn ngày 1/3, đò chở du khách từ ngoài vào trong để hành hương lên chùa. Ban đầu, vì ít khách nên theo chia sẻ của nhân viên nhà đò cứ đủ 50 người thì đò đi, mọi người trên đò phải mặc áo phao đầy đủ thì nhà đò mới nổ máy. Nhưng sau đó, lượng khách xuống ồ ạt, vượt quá số người quy định dẫn đến tình trạng không còn áo phao, nhà đò vẫn “liều” chạy qua sông. Theo ghi nhận của PV, lúc này có 49 người, chưa kể lái đò và phụ đò, có 1 người đàn ông không mặc áo phao.

“Anh không có áo phao ngồi xuống và ngồi vào giữa nhé!”, người phụ đò máy số hiệu QN7128 nói.

Phí trông giữ chùa Lôi Âm (Đại Yên, Hạ Long): Giá một đằng, thu một nẻo? - Hình 2

Phí trông giữ chùa Lôi Âm (Đại Yên, Hạ Long): Giá một đằng, thu một nẻo? - Hình 3

Làm theo lời phụ đò nói, những hành khách này trà trộn "lẩn trốn" sự chú ý của cơ quan chức năng mà không màng tới sự an toàn của tính mang

Còn tại đò máy số hiệu QN7129 vào lúc 12h30p trưa ngày 1/3, đò chở khách từ trong chùa ra về, số lượng khách trên đò lên tới 53 người, nhiều người không có áo phao để mặc, thậm chí có người có áo phao nhưng chỉ cầm tay.

Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhân viên phụ đò chỉ nhắc nhở những du khách không có áo phao ngồi vào trong, chứ không hề nhắc nhở những người đã lấy áo phao nhưng không mặc. Phải chăng, chính những người làm đò cũng chỉ muốn che mắt các cơ quan chức năng, không thực sự chú ý đến an toàn của hành khách?

Phí trông giữ chùa Lôi Âm (Đại Yên, Hạ Long): Giá một đằng, thu một nẻo? - Hình 4

Người đàn ông này có áo phao nhưng cũng cầm ở tay và không được sự nhắc nhở của phụ đò?

“Tôi thì rất muốn tuân thủ việc mặc áo phao khi ngồi trên đò, nhưng nhà tàu không chuẩn bị đầy đủ thì cũng không biết làm sao cả. Biết là nguy hiểm, nhưng đành liều thôi vì đợi thêm 1 đò nữa sang đón thì lâu lắm”, anh Nguyễn Văn Thiện, du khách đến từ Đông Triều nói.

Việc thu phí gửi xe không đúng quy định của một đơn vị doanh nghiệp được Nhà nước giao phó, thêm vào đó là việc lộn xộn nơi bến đò, không đảm bảo an toàn cho hành khách - đang làm hình ảnh chùa Lôi Âm mất mỹ quan trong mắt du khách thập phương.

Câu hỏi khiến dư luận nghi ngờ: Có hay không, sự "làm ngơ" trong công tác quản lý tổ chức lễ hội của chính quyền phường Đại Yên, cũng như TP. Hạ Long tại chùa Lôi Âm?

Trần Trang