Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), phiên cuối tuần trước 18/8 đã xóa bay mọi thành quả của 3 tuần zíc zắc tăng điểm trước đó khi hàng loạt các nhóm ngành đầu tàu sụt giảm rất sâu.
Mức sụt giảm của phiên cuối tuần là rất mạnh và khả năng cao có yếu tố đến từ áp lực bán giải chấp Margin khi khối lượng thanh khoản bùng nổ cao nhất từ trước đây đến nay, phiên lịch sử của khối lượng khớp lệnh. Bên cạnh đó, lượng dư bán sàn hàng loạt vẫn đang rất lớn nên không loại trừ khả năng áp lực bán còn tiếp diễn ở phiên tiếp theo. Tín hiệu tiêu cực quá rõ ràng sau phiên 18/8 và xu hướng giảm sẽ còn mạnh trong tuần này 21/8 – 25/8.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường phiên cuối tuần trước 18/8 ghi nhận một phiên bán tháo mạnh với thanh khoản cao kỷ lục. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế và xu hướng ngắn hạn trở nên xấu đi. Với diễn biến hiện tại của thị trường, áp lực giảm điểm vẫn còn hiện hữu trong phiên giao dịch buổi sáng hôm nay 21/8.
“Nhà đầu tư nên thận trọng quan sát lực cầu tại các vùng hỗ trợ xung quanh 1.170 điểm và sâu hơn nữa là 1.150 điểm, trước khi ra quyết định giải ngân, đồng thời hạn chế sử dụng margin trong giai đoạn này”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Về góc nhìn kỹ thuật, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đánh giá, VN-Index kết tuần giảm mạnh với khối lượng gia tăng và lùi về đường MA10 trên khung đồ thị tuần với chỉ báo RSI sụt giảm khá mạnh từ quanh mức 70. Khung đồ thị ngày cũng ghi nhận diễn biến tương tự, và chỉ số nhiều khả năng sẽ có thêm một số phiên biến động mạnh trước khi mặt bằng giá ổn định trở lại, với vùng hỗ trợ gần nhất là 1.130 – 1.150 điểm.
“Xu hướng hiện tại của chỉ số đang là tương đối tiêu cực, do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu một cách dứt khoát để quản trị rủi ro. Mặc dù vậy, nhà đầu tư nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỷ trọng chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá, đồng thời vẫn có thể chú ý những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá không biến động nhiều trong thời gian vừa qua để tìm kiếm cơ hội giải ngân khi thị trường ổn định trở lại trong thời gian tới”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.
Sau thông tin China Evergrand nộp đơn xin bảo hộ phá sản, làn sóng bán tháo trên thị trường như được kích hoạt, khiến chỉ số VN-Index “cắm đầu rơi” đầy hoảng loạn và đóng cửa tuần giao dịch 14/8 – 18/8 tại mốc 1.177,99 điểm (-4,4%), giảm 54,22 điểm so với cuối tuần trước.
Thanh khoản thị trường tuần qua thiết lập mức kỷ lục mới trong năm 2023 khi trung bình mỗi phiên, nhà đầu tư giao dịch tới 25.026,63 tỷ đồng (+11,1%), tương đương với 1.119 tỷ cổ phiếu (+4,51%) được nhà đầu tư trao tay mỗi phiên.
Thị trường chìm trong "biển lửa" tuần qua khi có tới 20/21 nhóm ngành quay đầu lao dốc, chỉ còn le lói duy nhất chấm xanh từ nhóm Công nghệ viễn thông (+0,03%) khi may mắn thoát khỏi đợt “xả lũ” của thị trường. Thế nhưng không phải ngành nào cũng có được sự may mắn ấy, hầu hết các nhóm ngành tuần qua đều chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay với hàng loạt các mã “nằm sàn”, trong đó có thể kể đến như Bất động sản khu công nghiệp (-7,31%), Xây dựng (-6,34%), Phân bón (-6,28%), Chứng khoán (-6,07%), Ngân hàng (-3,98%)... Khối ngoại tuần qua vẫn tiếp tục xả hàng trên cả ba sàn với giá trị bán ròng đạt 1.077,68 tỷ đồng.
Trong đó, họ bán ròng ở hàng loạt các mã vốn hoá lớn, tiêu biểu như MSN (-360,41 tỷ đồng), VPB (-363,85 tỷ đồng), E1VFVN30 (-195,92 tỷ đồng) ... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, họ cũng giải ngân gom lượng lớn hàng ở một số cổ phiếu như: CTG (+508,49 tỷ đồng), VRE (+228,87 tỷ đồng) và VNM (+223,12 tỷ đồng).
Minh An(T/h)