Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389/Lạng Sơn, Nguyễn Công Trưởng
Xin Phó chủ tịch cho biết tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017?
2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020); kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; lãi suất tín dụng, giá cả, thị trường cơ bản ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, năng lực sản xuất mới tiếp tục được bổ sung; bộ máy chính quyền các cấp hoạt động đồng bộ; các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại.
Cùng với sự thống nhất, quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực; đạt và vượt 16/18 chỉ tiêu đã đề ra.
Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,02%: Nông - lâm nghiệp (tăng 2,26%), công nghiệp - xây dựng (tăng 25,56%), dịch vụ (tăng 8,31%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - lâm nghiệp chiếm 22,85%, công nghiệp - xây dựng 18,28%, dịch vụ 49,73%…
Ông có thể nói rõ thêm, thành tựu nổi bật trong lĩnh vực này so với năm trước là gì?
Trước hết, hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, tiếp tục củng cố và phát triển thương mại nội địa, khuyến khích mở rộng thị trường tại khu vực nông thôn, bảo đảm cung ứng đầy đủ mặt hàng thiết yếu và đẩy mạnh thu mua nông sản cho nhân dân; đã phát triển các hình thức thương mại điện tử tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện có hiệu quả; thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý giá cả, thị trường, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% so cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ 14.680 tỷ đồng (tăng 6,17% so cùng kỳ).
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tiếp tục tăng, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực thực thi công vụ; lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng chủ động gặp gỡ để giải quyết khó khăn, vướng mắc, thu hút DN xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh; đổi mới phương pháp kiểm tra, kiểm soát, giải quyết kịp thời ách tắc hàng hóa...
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn cao nhất từ trước đến nay, đạt 4,65 tỷ USD, bằng 113,4% kế hoạch (tăng 12,6% so cùng kỳ). Trong đó, xuất khẩu 2,7 tỷ USD, bằng 125,6% kế hoạch, tăng 12,5% (xuất siêu); nhập khẩu 1,95 tỷ USD, đạt kế hoạch (tăng 12,7%). Xuất khẩu hàng địa phương 114,5 triệu USD, đạt kế hoạch (tăng 9,6%).
Công tác quản lý, điều hành NSNN được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã thành lập BCĐ thu ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, thực hiện quyết liệt công tác chống thất thu, tập trung thu các khoản đạt thấp, thu nợ đọng thuế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hải quan, thực hiện nghiêm các quy định về đấu giá đất.
Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, tài nguyên và chống buôn lậu được thực hiện tích cực, hiệu quả góp phần tăng thu NSNN. Công tác thu nội địa có nhiều đổi mới và đạt kết quả đáng khích lệ, thu ngân sách tại các huyện, thành phố đều đạt và vượt dự toán giao.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 6.311 tỷ đồng, đạt 85,04% dự toán (tăng 0,65% so cùng kỳ). Trong đó, thu nội địa cao nhất từ trước đến nay, đạt 2.211 tỷ đồng, đạt 115,1% dự toán, (tăng 19,7%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4.100 tỷ đồng, đạt 74,55% dự toán, giảm 7,29%.
Thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM có chuyển biến tích cực về nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện, nhất là phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm.
Kết cấu hạ tầng được tăng cường đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Đã có nhiều công trình lớn được khởi công, góp phần tạo nền tảng cho tỉnh phát triển trong tương lai…
Thực trạng gian lận thương mại trong năm qua tại địa phương như thế nào, thưa ông?
Lạng Sơn có trên 231 km đường biên giới quốc gia trên đất liền với Trung Quốc, với địa hình phức tạp, nhiều lối tắt nên các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng, dùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi để đối phó việc kiểm tra, kiểm soát buôn lậu như:
Áp sát hàng hóa ngay đường biên giới; mở thêm các đường mòn mới để vượt qua các điểm chốt chặn; tổ chức lực lượng ngăn cản lực lượng chức năng; mang vác hàng lậu vào ban đêm, qua các khu vực khó kiểm soát; sau khi hàng vào nội địa, lợi dụng các quy định chưa chặt chẽ của pháp luật để hợp thức cho hàng nhập lậu, vận chuyển về phía sau qua các tuyến QL1A, 1B, gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, về cơ bản hoạt động buôn lậu vẫn được kiểm soát, không để hình thành các tụ điểm lớn, phức tạp.
Từ ngày 1/1 - 30/11, các lực lượng chức năng tỉnh đã kiểm tra, xử lý 3.186 vụ (tăng 43,19% so cùng kỳ); tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, phạt bổ sung, truy thu thuế, thu lợi bất hợp pháp, thanh lý hàng tịch thu đạt trên 50 tỷ đồng (tăng 99,94% so cùng kỳ); trị giá hàng hóa tịch thu đạt trên 80,6 tỷ đồng (tăng 67,7% so cùng kỳ); bảo đảm không để hình thành các đường dây, tụ điểm phức tạp về buôn lậu trên địa bàn tỉnh.
Vậy địa phương đã triển khai công tác đấu tranh phòng chống vấn nạn này tới đâu?
Thời gian qua, UBND tỉnh, BCĐ 389/Lạng Sơn đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389/QG, các bộ, ngành liên quan.
Đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo cụ thể nhằm tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng, các cấp, các ngành tăng cường sự phối hợp để ngăn chặn, kiểm soát tình hình GLTM trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng các địa bàn biên giới có diễn biến phức tạp về buôn lậu, các tuyến đường thường có hoạt động vận chuyển hàng lậu về các tỉnh phía sau.
Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì chốt chặn, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xuất nhập cảnh, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chủ động phối hợp với cơ quan hải quan kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động GLTM bảo đảm an ninh trật tự trên khu vực biên giới.
Chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi GLTM, lợi dụng cơ chế thông thoáng trong khai báo hải quan để buôn lậu; chủ động phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động GLTM trên tuyến biên giới.
Chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm VSATTP.
Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, kiểm soát đối với các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa, các phương tiện vận chuyển hàng hóa; tăng cường công tác phối hợp, cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí, truyền hình của Trung ương và của tỉnh để tuyên truyền về công tác chống GLTM.
Chỉ đạo lực lượng công an lập các chuyên án để đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, đầu nậu buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và GLTM; chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào nội địa và các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường bộ; phối hợp với các lực lượng chức năng khác để hỗ trợ giải quyết các vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm và các vụ việc chống đối người thi hành công vụ…
Trân trọng cảm ơn Phó chủ tịch!
Nguyễn Kiên (Thực hiện)