Ảnh minh họa
Theo đó, xét báo cáo của Bộ Tư pháp về các vướng mắc trong xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 của Bộ Luật Hình sự, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý các nội dung báo cáo và kiến nghị của Bộ Tư pháp.
Phó Thủ tướng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các bộ: Tư pháp, KH&CN, Công thương, Công an trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn điều 225, Điều 226 của Bộ luật hình sự.
Bộ Công thương, Bộ KH&CN theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo quy định hiện hành, đối tượng của bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Người nào sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của người khác đang trong thời gian bảo hộ mà không xin phép chủ sở hữu các đối tượng này thì bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (trừ các trường hợp có quy định riêng) và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Kiên