Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Lê Minh Toản, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong nhấn mạnh, cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá nói riêng và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả nói chung đang rất phức tạp, khó lường.
Hiện nay không chỉ có thuốc lá truyền thống mà sự ra đời của thế hệ thuốc lá mới - thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, gây tác động lớn đến thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Sự ra đời của các loại thuốc lá mới cũng khiến cho cơ quan truyền thông bối rối khi chưa thực sự "chỉ mặt đặt tên", lượng hóa các tác hại của thuốc lá.
Theo Phó tổng biên tập Lê Minh Toản: “Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Với nhiều người hút thuốc lá, có nhiều loại thuốc được xác định chỉ nhập lậu mới có, nhưng nhiều nay năm nay, chúng ta vẫn chưa thấy rõ hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, chưa thấy được mong muốn như kỳ vọng. Nguyên nhân của tình trạng này là gì; công tác truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá ra sao; việc lượng hoá tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người như thế nào. Đó là bài toán không hề dễ dàng đối với cơ quan chức năng thực thi và các cơ quan truyền thông, báo chí”.
Theo Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Thân Đức Công, từ ngày 1/1/2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 996 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phát hiện vi phạm, xử lý 752 vụ, trị giá hàng hoá vi phạm hơn 2,9 tỷ đồng, thu nộp ngân sách gần 5,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ.
Đối với thuốc lá thế hệ mới, lực lượng chức năng kiểm tra 132 vụ, phát hiện vi phạm xử lý 129 vụ, số lượng thuốc lá thế hệ mới trên 5.203 sản phẩm các loại, trị giá thàng hoá vi phạm 744 triệu đồng, thu nộp ngân sách hơn 1,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 6/6/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp các cơ quan chức năng liên quan tiến hành khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính đối với kho hàng hóa tại địa chỉ thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, phát hiện, thu giữ tổng cộng 163.410 sản phẩm thiết bị thuốc lá thế hệ mới và 9.913 kg phụ kiện các loại.
Ông Lê Thành Hưng, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thuốc lá thế hệ mới có 2 nhóm là thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.
Riêng đối với thuốc lá nung nóng bản chất có nguyên liệu thuốc lá, giống với thuốc lá điếu truyền thống nhưng khác về cơ chế. Thuốc lá nung nóng sử dụng cơ chế làm nóng gián tiếp, không đốt cháy, bản chất là quá trình oxy hóa với tốc độ đủ lớn để giải phóng nhiệt. Đây là điểm khác biệt so với thuốc lá truyền thống. Còn đối với thuốc lá điện tử nguyên liệu là từ dung dịch, có thể có hoặc không có nicotine.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có quan điểm rõ ràng với thuốc lá làm nóng từ năm 2018. Hội nghị các bên được tổ chức và đã ban hành văn bản liên quan đến thuốc lá thế hệ mới. Qua đó, WHO công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá và cần tuân theo quy chuẩn chung về thuốc lá. Ngoài ra, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã có văn bản liên quan đến sản phẩm này. Qua đó ISO ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến thuốc lá làm nóng, có khái niệm, định nghĩa các thuật ngữ liên quan.
Đây cũng là tiền đề để chúng ta đưa ra các biện pháp giám sát thành phần sinh ra từ thuốc lá làm nóng.
Bên cạnh sản phẩm thuốc lá làm nóng, ISO có khái niệm, tiêu chuẩn đối với sản phẩm thuốc lá điện tử. Bộ tiêu chuẩn này để thử nghiệm, giám sát thành phần có tiềm năng gây hại. Trên cơ sở tài liệu ISO và tiêu chuẩn của các nước Anh, Nga, Trung Đông, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đã biên soạn một số tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử để trình Bộ Khoa học và Công nghệ.
Việc buôn lậu thuốc lá thế hệ ngày càng phổ biến và phức tạp. Theo các chuyên gia, hiện nay hành lang pháp lý với mặt hàng này vẫn còn khoảng trống pháp lý.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Hà Nội nhấn mạnh, các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ngày càng phổ biến.
Đôi khi thuốc lá thế hệ mới bị các đối tượng buôn lậu pha cần sa gây nghiện cho người sử dụng. Hiện nay, thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào trường học, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, lối sống của học sinh.
Đáng chú ý, thuốc là thế hệ mới được kinh doanh phổ biến trên không gian mạng. Các đối tượng buôn bán giao dịch sử dụng dịch vụ xe công nghệ như grab nên khó xác minh đối tượng. Mặt hàng được cất giấu ở nhiều nơi, không tập trung gây khó cho lực lượng chức năng. Ngoài ra nhiều đối tượng có dấu hiệu làm giả thuốc lá bán ra thị trường nên chất lượng sản phẩm không được kiểm soát.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, với thuốc lá điện tử, trên thế giới hiện nay có 27 nước cấm hoàn toàn, 8 quốc gia quản lý dưới dạng dược phẩm và thuốc điều trị, 47 quốc gia quản lý bằng hệ thống pháp luật thuốc lá truyền thống (hầu hết rơi vào quốc gia phát triển).
Về thuốc lá làm nóng, 17 quốc gia cấm hoàn toàn, 9 quốc gia quản lý như thuốc lá truyền thống.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, hiện nay rất cần có hành lang pháp lý và hệ thống văn bản đồng bộ, chính sách phù hợp và chế tài xử lý đủ mạnh đối với việc quản lý, xử lý vi phạm mặt hàng thuốc lá điện tử, tạo sức ren đe, để kiểm soát, tiến tới đẩy lùi việc buôn lậu nói chung và đối với mặt hàng thuốc lá nói riêng.
Nguyễn Kiên