THCL Hàng chục cây số đường vượt núi tại xã Mỹ Thuận (Thanh Sơn), do một tư nhân đầu tư hàng tỷ đồng, mở vượt quá phần đất rừng sản xuất được quyền sử dụng và lấn sâu vào khu vực rừng phòng hộ.
Điều đáng nói, theo người dân địa phương, con đường này tiến sát đến khu vực có mỏ vàng (?!).
Mở đường tiền tỷ để… trồng rừng?
Ngày 02/10/2016, Trạm Kiểm lâm Văn Luông (Hạt Kiểm lâm Tân Sơn, Phú Thọ) nhận được thông tin xảy ra việc khai thác gỗ và làm đường lâm nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, khu Cú, xã Mỹ Thuận (Tân Sơn).
Tìm hiểu được biết, khu vực Đồi Vay (Ba Chi) nơi xảy ra sự việc trên, một số diện tích đất được Nhà nước giao quyền sử dụng cho ông Hoàng Minh Cần (xóm Lực, xã mỹ Thuận, Tân Sơn). Trong quá trính sử dụng, ông Cần đã chuyển nhượng lại cho ông Đỗ Quốc Thuận (trú xã Thạch Khoán, Thanh Sơn). Đoàn kiểm tra có mặt tại hiện trường, xác định rõ việc làm đường và khai thác gỗ.
Tại thời điểm kiểm tra, dọc theo khe suối tiếp giáp giữa rừng tự nhiên và rừng trồng keo (2006) của ông Thuận, ông Thuận tổ chức làm đường bằng máy xúc Hitachi UH04 (theo ông Thuận thì máy xúc này thuộc quyền sở hữu của ông). Đến khu vực ngã ba suối, có hiện tượng tiếp tục làm đường vào khu vực rừng tự nhiên dọc theo khe suối. Toàn bộ chiều dài đoạn đường đã làm là 540 m, mặt đường rộng trung bình 5 m. Dọc theo chiều dài đoạn đường là những gốc cây được múc lên, thân cây được dùng máy cắt thành những lóng khúc. Khi kiểm tra đo đếm được 74 lóng khúc, tổng khối lượng 4.743 m3 (có bảng kê kèm theo).
Theo ông Thuận, việc làm đường giao cho ông Hoàng Văn Kiếm, trú xóm Cú, xã Mỹ Thuận thực hiện. Ông Thuận chỉ đạo làm đường trong khu vực ông đã mua của ông Cần, còn đoạn đường vào khu vực rừng tự nhiên, ông Thuận không biết ai đã làm (?). Đoàn kiểm tra đã thống nhất lập biên bản, đưa máy xúc Hitachi UH04 và 74 lóng khúc về Trạm Kiểm lâm Văn Luông tạm giữ.
Được biết, đây là con đường lâm nghiệp được ông Thuận đầu tư với kinh phí ước tính vài tỷ đồng nhằm mục đích trồng rừng, xây dựng trong phạm vi đất lâm nghiệp mà ông đã mua lại quyền sử dụng. Tuy nhiện hiện tại, con đường đã được mở lấn sâu vào khu vực rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, GĐ BQL rừng phòng hộ sông Bứa khẳng định: “Khu vực rừng phòng hộ xóm Cú, chủ yếu là nứa kiệt và cây gỗ tạp nên thiệt hại không lớn. Tuy nhiên, hành vi mở đường, chặt phá cây rừng của ông Đỗ Quốc Thuận đã vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm để răn đe, tránh tiền lệ xấu, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại rừng trái pháp luật”.
“Bí ẩn” đằng sau cung đường
Hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng của ông Đỗ Quốc Thuận đã rõ ràng và đang được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xem xét xử lý. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, chuyện mở đường vào rừng phòng hộ không đơn giản chỉ là chuyện xâm hại tài nguyên rừng.
Theo người dân địa phương, đoạn đường nối dài qua khu vực rừng phòng hộ kề cận với mỏ vàng, đã từng xảy ra tình trạng khai thác trái phép 2 năm trước.
Ông Hoàng Văn Tiến, Công an viên xóm Cú thừa nhận: “Khu vực có mỏ vàng, trước là đất rừng sản xuất thuộc quyền sử dụng của tôi. Năm 2007, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi đã chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ 29 ha đất rừng sản xuất ở khu vực Đát Chàng cho ông Nguyễn Quốc Việt ở Hà Nội.
Đến năm 2013, có người đem máy móc đến đây thăm dò và bảo có quặng vàng. Đất của người ta, bà con nghe thì biết vậy. Bén mảng đến khu vực đó, lấy măng hay chặt cây, lập tức có người xua đuổi ngay. Liên tiếp nhiều lần công an, bộ đội về truy đuổi, những người khai thác quặng vàng bỏ đi rồi quay lại. Tôi đã từng cùng công an huyện lên khu Đát Chàng và thấy những hầm hố khai trường rộng khoảng 2 m, sâu 3 – 4 m, lán trại, máy phát điện mà đám người lạ mặt bỏ lại…”.
“Khoảng cuối năm 2014, đầu năm 2015, hiện tượng khai thác quặng trái phép mới chấm dứt. Nay lại thấy có chuyện mở đường vượt quá khu vực được quyền sử dụng vào sát khu vực này, chúng tôi nghi lắm. Rừng có mấy cây gỗ tạp, nứa dại, có phá cả núi cũng chẳng đủ để bù lại tiền làm đường. Dạo gần đây, tôi nghe người dân phản ánh là có xe bán tải vào xóm, ở lại đến đêm muộn mới ra và lúc vào thì nhẹ, lúc ra tải trọng nặng hơn hẳn. Tôi không có chức năng kiểm tra nên sẽ báo cáo hiện tượng này với cấp trên”, ông Tiến cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Năm 2014, chúng tôi nhiều lần lên khu vực Đồi Vay kiểm tra và phát hiện các lán trại, đồ dùng của nhóm người lạ mặt khai thác khoáng sản trái phép…
Việc mở đường lấn sâu vào khu vực rừng phòng hộ đang khiến người dân e ngại và cơ quan quản lý bất an, lo sợ tình trạng khai thác trái phép trước đây trở lại. Sai phạm đã được phát hiện, với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề nghị chính quyền sở tại sớm xóa bỏ cung đường nằm trong khu vực rừng phòng hộ và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Anh Đức