Quá sùng bái V.Putin khiến ‘bảo bối’ Kissinger mất thiêng trong tay Donald Trump? - Hình 1

 Kế "liên Nga chế Hoa" của Kissinger nguy cơ khó thực hiện do ông Trump sùng bái ông Putin?

Cuộc cạnh tranh địa chính trị trong tam giác quan hệ chiến lược Mỹ-Liên Xô-Trung Quốc trong thời kỳ Chiến tranh lạnh cũng như quan hệ Mỹ-Nga-Trung Quốc trong thế kỷ XXI là cuộc chiến phức tạp nhất và quan trọng nhất quyết định toàn bộ cục diện chính trị thế giới. Trong cả hai cuộc cạnh tranh này, Trung Quốc và Liên Xô trước đây cũng như Nga và Trung Quốc hiện nay đều là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ.   

Để mang lại chiến thắng cho Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh, giới cầm quyền ở Washington vận dụng “bảo bối” của Kissinger-Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Richard Nixon, theo đó Mỹ kết thân với Trung Quốc và lấy đó làm động lực buộc Liên Xô phải sa vào “bẫy hòa hoãn” với Mỹ và chính cái bẫy này đã đưa Liên Xô tới thảm họa sụp đổ.

Hiện nay, vận dụng “bảo bối” của Kissinger, giới cầm quyền Mỹ chuyển sang kết thân với Nga để đối phó với Trung Quốc-quốc gia bị Tổng thống Mỹ Donald Trump coi là “kẻ thù của nước Mỹ”, nhưng xem ra chưa mang lại kết quả như Washington mong muốn.

Nhìn lại “bảo bối” của Kissinger thời Chiến tranh lạnh

Nội dung then chốt của “bảo bối” Kissinger thời Chiến tranh lạnh là khai thác mâu thuẫn đối kháng giữa Liên Xô-quốc gia bị Bắc Kinh gọi là “đế quốc xã hội” với Trung Quốc-quốc gia bị Matxcơva gọi là “đại bá”, trong đó sẽ áp dụng chiến thuật “một mũi tên trúng hai đích”. Theo đó tập trung nỗ lực làm tan rã Liên Xô, đồng thời đưa Trung Quốc hội nhập và từng bước “hòa tan” vào nền văn minh Phương Tây theo phương châm “không đánh mà thắng” kiểu binh pháp Tôn Tử. Vì thế, theo “bảo bối” này, trước hết Mỹ kết thân với Trung Quốc, buộc Liên Xô phải nhượng bộ Mỹ do lo sợ liên minh Mỹ-Trung sẽ chống lại họ và phải chấp nhận hòa hoãn.

Học thuyết Kissinger ghi dấu ấn đầu tiên bằng Thông cáo chung Thượng Hải được Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ký ngày 27/2/1972, mở đầu quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai địch thủ đối kháng như lửa với nước, theo đó Washington chính thức cắt đứt quan hệ với Đài Bắc, rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Đài Loan và công nhận ngoại giao đối với Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc chấp nhận làm “đối tác đàn em” so với Mỹ và ủng hộ chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của bộ đôi Richard Nixon-Henry Kissinger, để Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt Nam trong danh dự .

Thực hiện thỏa thuận Thông cáo chung Thượng Hải, trong những năm 1973-1974, Mao Trạch Đông liên tiếp đưa ra nhiều đề xuất về việc  thành lập Mặt trận toàn thế giới chống Liên Xô, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh, trong đó Trung Quốc đóng vai trò là “hậu phương lớn”. Năm 1974, theo chỉ thị của Mao Trạch Đông, trong bài phát biểu tại Diễn đàn LHQ Đặng Tiểu Bình nêu ra ba cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới là cuộc cách mạng ở Mỹ, cuộc cách mạng ở Pháp và cuộc cách mạng ở Trung Quốc mà không nhắc tới cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga mà Mao Trạch Đông từng tuyên bố nhờ có cuộc cách mạng này mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới giành được độc lập vào năm 1949. Tiếp đến, năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới phi nghĩa và một lần nữa kêu gọi thành lập Mặt trận toàn thống nhất thế giới chống “đế quốc xã hội Liên Xô”. 

Henry Kissinger là người hơn ai hết, thông qua các điệp viên ảnh hưởng của Mỹ cài cắm ở Bắc Kinh, đã nắm được định hướng sang Phương Tây của Mao Trạch Đông-nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Trung Quốc mới. Do đó, chính Trung Quốc đã chủ động bắt tay với Mỹ và là bên đầu tiên phát đi thông điệp về chủ trương bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ. Đó là, chỉ hai tháng sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon lên cầm quyền ở Nhà Trắng vào ngày 20/1/1969, ngày 2/3/1969, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tấn công lực lượng biên phòng của Liên Xô đồn trú trên hòn đảo nhỏ nằm giữa sông Ussuri có diện tích 0,74km2 mà người người Hoa gọi là Trân Bảo Đảo, còn người Nga gọi là Damansky, thuộc lãnh thổ Liên Xô, mở đầu cuộc chiến tranh biên giới Trung-Xô (theo hiệp định ký giữa Nga và Trung Quốc vào năm 1860 và được thể hiện trên bản đồ vào năm 1861, đường biên giới giữa hai nước được phân định theo bờ sông bên Trung Quốc và vì thế đảo Damansky thuộc về lãnh thổ Liên Xô).

Cuộc chiến tranh biên giới Xô-Trung do Trung Quốc chủ động gây hấn đã phát đi thông điệp rõ ràng với Mỹ rằng Bắc Kinh và Washington cùng đứng trên cùng một chiến tuyến chống “đại bá Liên Xô”. Sau cuộc chiến tranh biên giới Trung-Xô, Bắc Kinh và Washington bắt đầu hàng loạt cuộc ngoại giao con thoi với kết quả cuối cùng là Thông cáo chung Thượng Hải.

Năm 2015, Jacob Heilbrunn-biên tập viên của tạp chí Mỹ The National Interest, hỏi Kissinger: "Theo ông, phải chăng rút cuộc chính sách hòa hoãn Mỹ-Trung đã đóng vai trò then chốt trong chiến lược làm tan rã Liên bang Xô Viết?”. Không chút do dự, Henry Kissinger trả lời:“Tôi cho rằng như vậy. Chúng tôi coi chính sách hòa hoãn chỉ là một sách lược trong cuộc xung đột Xô-Mỹ”. Đúng như Henry Kissinger nhận định, bằng Thông cáo chung Thượng Hải, Mỹ đã đạt được điều họ muốn: buộc Liên Xô phải nhượng bộ do lo ngại trước sự hình thành liên minh Mỹ-Trung. Ngay sau sự kiện Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ký Thông cáo chung Thượng Hải, Liên Xô vội vàng chấp nhận hòa hoãn với Mỹ bằng quyết định mời Tổng thống Richard Nixon thăm chính thức Matxcơva trong tháng 5/1972. Trong chuyến thăm này, Richard Nixon được phía Liên Xô đón tiếp nồng thắm tới mức khác thường.

Ngày 26/5/1972, Tổng thống Mỹ  Richard Nixon và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev ký Hiệp ước hạn hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (năm 2002, Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước này). Sau chuyến thăm Matxcơva của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev đã có chuyến thăm đáp lễ tới Washington. Theo tiết lộ của Thượng nghị sĩ Mỹ Fulbright, nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đã nói trong bữa ăn tối với các nghị sĩ Mỹ: "Chiến tranh lạnh mà chúng ta từng lo ngại đã chấm dứt!”.

Chính sách hòa hoãn Mỹ-Xô trong những năm 1970 dĩ nhiên là có tác động tích cực đối với hòa bình thế giới trong bối cảnh hiện hữu nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân mang tính hủy diệt trái đất, nhưng lại là tính toan tính hoàn toàn sai lầm của ban lãnh đạo Liên Xô bởi vào thời điểm đó…

Có thể thấy, chủ trương hòa hoãn là “cú lừa gạt thế kỷ” của Mỹ đối với ban lãnh đạo Liên Xô. Sau đó, khi Ronald Reagan lên cầm quyền ở Nhà Trắng (20/11981-20/1/1989), Washington bắt đầu triển khai chiến lược tấn công toàn diện không chỉ nhằm vào Liên Xô mà là toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa với kết cục dẫn tới sự tan rã Liên bang Xô Viết, hệ thống xã hội chủ nghĩa giải thể.

“Bảo bối” Kissinger thời Donald Trump

Theo tiết lộ của trang tin điện tử The Beast của phái tân bảo thủ ở Mỹ, trong thời gian kể từ cuộc bầu cử ngày 8/11/2016 đến lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1/2018, Henry Kissinger đã có nhiều cuộc gặp bí mật với chủ nhân mới của Nhà Trắng. Trong đó ông đề xuất vận dụng sách lược ứng xử với Trung Quốc và Liên Xô trong những năm 1970, trong đó Mỹ nên kết thân với Nga để chống Trung Quốc-quốc gia bị Donald Trump coi là “kẻ thù của nước Mỹ”. Ngoài ra, Henry Kissinger còn có nhiều cuộc tiếp xúc với Jared Kushner, con rể của ông Donald Trump và là cố vấn trưởng của Nhà Trắng chuyên phụ trách các vấn đề chính sách đối ngoại. Lần này, “bảo bối” của Henry Kissinger nhận được sự ủng hộ của nhiều quan chức trong Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và Hội đồng an ninh Quốc gia và cố vấn cao cấp cao của ông Donald Trump là Stephen Bannon.

Trước khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng áp dụng “bảo bối” của Henry Kissinger ngay sau khi lên cầm quyền vào năm 2009. Theo đó, Barack Obama chủ trương “cài đặt lại” quan hệ Mỹ-Nga, lấy đó làm động lực để lôi kéo Trung Quốc thành lập Nhóm G-2 gồm Mỹ và Trung Quốc, từ đó đưa Trung Quốc vào quỹ đạo của Mỹ và cuối cùng sẽ “hòa tan” Trung Quốc vào không gian chính trị Phương Tây do Mỹ kiểm soát. Chủ trương này của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận được sự ủng hộ của giới tinh hoa chính trị ở Washington nhưng lại bị Trung Quốc từ chối. Sau khi bị Trung Quốc từ chối đề xuất G-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama chuyển sang thực hiện chiến lược “xoay trục” nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc.

Hiện nay, giới tinh hoa chính trị ở Washington trong Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ lo ngại chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thân với Ngađã vượt ra khỏi khuôn khổ tính toán hoàn toàn thực dụng của Kissinger. Thậm chí, họ còn lo ngại về sự tương đồng giữa Donald Trump với Mikhail Gorbachev: nhà lãnh đạo Liên Xô là người sùng bái Mỹ và Phương Tây tới cực đoan thì Donald Trump cũng là người “sùng bái thái quá” V.Putin. Chính vì xuất phát từ sự lo ngại rất sâu sắc về khả năng Donald Trump có thể là “cái bóng Gorbachev” ở Mỹ nên phái chống Nga trong cả hai Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ liên kết với nhau chống lại chủ nhân mới ở Nhà Trắng.

Dĩ nhiên, sự so sánh Mikhail Gorbachev với Donald Trump là vô cùng khập khiễng do sự khác nhau căn bản giữa hệ thống chính trị Mỹ và Liên Xô. Trong trường hợp Mikhail Gorbachev, ông ta chỉ cần loại bỏ các nhân vật chống đối trong Bộ Chính trị Liên Xô là êm thấm mọi chuyện và Gorbachev đã hành động như vậy. Còn trường hợp Donald Trump hoàn toàn khác: ông Trump không thể đối phó với “nhà nước ngầm” có ảnh hưởng và quyền kiểm soát gần như tuyệt đối, gồm Quốc hội Mỹ, tổ hợp công nghiệp quân sự, bộ máy truyền thông khổng lồ, Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng, hệ thống an ninh quốc gia.

Trong tình thế ấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ còn lại một khoảng không gian rất hạn hẹp để “cơ động” mà trong đó ông có thể sử dụng quyền hành pháp nhỏ nhoi của Nhà Trắng để đề xuất một số nhượng bộ đối với Nga. Thí dụ, năm 1972 để kết thân với Bắc Kinh, Mỹ phải công nhận Đài Loan thuộc chủ quyền của Trung Quốc, còn hiện nay để cải thiện quan hệ với Nga, Mỹ có thể công nhận quyết định của V.Putin sáp nhập Crimea là chủ quyền của Nga. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng phát đi thông điệp sẵn sàng công nhận Crimea là của Nga trước khi tới cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Helsinki. Tuy nhiên, “nhà nước ngầm” ở Mỹ lo ngại rằng giữa Donald Trump và V.Putin có thể có những thỏa thuận bí mật khác liên quan tới những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Nga. Xuất phát từ những lo ngại này mà giới chức ở Washington đề nghị thông dịch viên cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ phải công bố nội dung bàn thảo trước Quốc hội Mỹ.

Sự tôn trọng nhiệt thành mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Tổng thống Nga V.Putin là nguyên nhân dẫn tới mối lo ngại ngày càng gia tăng đối với cả những thế lực ủng hộ vận dụng “bảo bối” Kissinger để kết thân với Nga. Giới cầm quyền ở Mỹ đã và đang thực hiện chiến dịch cấm vận găt gao nhất nhằm vào Nga mà tác động phá hoại của chúng được thượng nghị sỹ Mitch McConnell-lãnh đạo đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ví như cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đồng thời, Mỹ vẫn tiếp tục cuộc chiến thương mại chưa từng có với gần như cả thế giới, chứ không riêng gì với Trung Quốc. Chưa biết liệu “bảo bối” Kissinger có thiêng thời Donald Trump hay không.

Theo VietTimes