Từ khi lên nắm quyền cho đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục có lối hành xử khác biệt so với người tiền nhiệm về các vấn đề tại Trung Đông, mà hệ quả là làm cho "thùng thuốc súng Trung Đông" lúc nào cũng như sắp nổ tung.
Từ kích hoạt xung đột qua việc công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel hay từ bỏ Thoả thuận hạt nhân Iran, đến hành động quân sự thể hiện uy lực Mỹ qua việc tấn công quân sự Syria… Trung Đông đã ngày một nóng hơn sau mỗi hành động của Trump.
Mục đích cho những hành động của Tổng thống Trump đươc nhìn nhận là nhằm sửa sai cho chiến lược xoay trục không thành của Tổng thống Obama, mà khiến Mỹ mất dần chỗ đứng tại vùng đất "giàu tài nguyên nhiều khói lửa" này.
Các nước cờ của Tổng thống Putin tại Trung Đông là những chén đắng với Tổng thống Trump
Tuy nhiên, theo giới phân tích thì nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến vị tổng thống doanh nhân sôi sục với Trung Đông chính là việc “yếu tố Nga” ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn tại vùng đất nóng sau các nước đi của Tổng thống Putin.
Tổng thống Putin đã dần tạo ưu thế cho Nga ngay tại Trung Đông – nơi Mỹ có nhiều lợi thế
Phải chấp nhận một thực tế là, nếu xét về lực thì hiện nay Nga chưa thể vượt Mỹ tại vùng đất Trung Đông. Bởi hơn 1/4 thế kỷ thời hậu Chiến tranh Lạnh, Washington đã làm mưa làm gió tại vùng đất "nhiều tài nguyên, lắm xung đột" này.
Lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ, giá trị Mỹ đã được sử dụng để xoá bỏ đi nhiều quân cờ, tạo ra nhiều ván cờ mới tại khu vực, qua đó nhiều quan hệ đồng mình, đối tác của Mỹ đã được xác lập, từ đó tạo lợi thế gần như tuyệt đối cho Mỹ tại vùng đất nóng.
Do vậy, với thực lực hiện tại, Moscow chỉ có thể làm mất vai trò của Washington tại địa bàn chiến lược này bằng việc tạo ưu thế cho mình và Tổng thống Putin đã làm được điều đó qua những nước đi của mình.
Có thể thấy rằng, dù có nhiều đồng minh chiến lược tại Trung Đông, song Mỹ lại khó có thể cắm rễ tại đây nếu thiếu vắng lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ, thể hiện qua bộ đôi công cụ "củ cà rốt Mỹ và cây gậy Washington".
Trong khi đó Nga lại hoàn toàn có thể, ngay cả khi Moscow không có đồng minh hay đối tác chiến lược tại Trung Đông, Căn nguyên sự khác biệt nằm ở nguyên tắc nền tảng vận hành của hệ thống chính trị.
Nguyên tắc tự do - dân chủ truyền thống phương Tây mà Mỹ là trung tâm, được xây dựng dựa trên nền tảng Nhân Quyền, khiến cho nó mang tính phổ quát trên toàn thế giới, xóa nhòa đi tính đặc thù được hình thành bởi những yếu tố tự nhiên, xã hội khác.
Nguyên tắc này đối lập, thậm chí đối nghịch với rất nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị của hầu hết các quốc gia Hồi giáo - chiếm đa số tại Trung Đông - trong đó có ảnh hưởng của giáo luật đối với pháp luật trong điều hành và quản lý đất nước.
Mỹ không thể cắm rễ tại Trung Đông nếu Washington không đáp ứng đủ kỳ vọng của đồng minh
Đây là một rào cản mang tính mặc định không thể xóa nhòa giữa Mỹ và các đồng minh Hồi giáo tại Trung Đông. Và đây cũng chính là lý do Mỹ phải liên tục xác lập lại những chuẩn mực cho niềm tin với đồng minh, đối tác.
Trong khi đó, nguyên tắc nền tảng vận hành hệ thống chính trị tại nước Nga dưới thời chính quyền Putin được xây dựng trên nền tảng Dân Quyền. Điều này đảm bảo sự kết hợp giữa nguyên lý chung với yếu tố đặc thù của từng quốc gia, dân tộc.
Như vậy, ngay trong nguyên tắc nền tảng vận hành của hệ thống chính trị giữa Nga và các đồng minh, đối tác của Mỹ tại vùng đất nóng đã không có những rào cản mang tính mặc định, cả hữu hình và vô hình.
Trong khi Nga chỉ cần khẳng định niềm tin với đối tác, đồng minh của Mỹ, thì Mỹ thì phải liên tục thay đổi tỷ lệ giữa tương đồng và khác biệt trong nguyên tắc nền tảng hình thành và vận hành của hệ thống chính trị quốc gia, để xác lập niềm tin.
Và người Mỹ phải thực hiện điều đó thông qua những cam kết, thỏa thuận mà lợi ích - cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích chính trị - được xem là yếu tố quan trọng tạo ra niềm tin cho đối tác, đồng minh trước những đổi thay từ nước Mỹ.
Nghĩa là niềm tin của Mỹ với đối tác, đồng minh tại Trung Đông được xác lập qua việc Washington đáp ứng những mong đợi của họ. Và điều đó lý giải tãi sao khi lợi ích Mỹ giảm thì quan hệ với đồng minh, đối tác ngay lập tức nhạt nhoà.
Đây chính là điều kiện tốt nhất cho Moscow chuyển hoá lợi thế để rồi từ đó chiếm ưu thế trước đối thủ ngay tại địa bàn chiến lược của Washington và các nước cờ của Tổng thống Putin tại Trung Đông đã hiện thực hoá được điều đó.
Khi Mỹ và NATO có biểu hiện lệch pha với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin đã nhanh chóng chấp nhận hành động "chạy lại" của Tổng thống Erdogan sau "khủng hoảng 17 giây", biến quan hệ Moscow - Ankara trở nên mật thiết hơn bao giờ hết.
Sự đồng điệu của bộ đôi Putin - Erdogan luôn làm cho Mỹ ứa gan
Thật khó tin khi một thành viên NATO lại là nơi Moscow mở đột phá khẩu nhằm phá vòng vây cấm vận của phương Tây bao qaunh nước Nga và đứng cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến Syria - nơi Mỹ chọn điều chỉnh chiến lược tại Trung Đông.
Khi Mỹ thực hiện việc "hồi tố" với Ả-Rập Saudi về trách nhiệm của Riyadh trong vụ khủng bố 11/9, Tổng thống Putin đã trải thảm mới Quốc vương Salman tới thăm Nga, tạo nên một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.
Thật khó tin khi đồng minh chiến lược luôn sử dụng công cụ giá dầu thô để giúp Mỹ triệt hạ đối phương lại mở lối cho Nga cùng bắt tay OPEC điều chính giá dầu thô, thậm chí Riyadh còn cùng với Moscow tìm cách gạt bỏ vị thế của đồng USD.
Khi Mỹ thất bại trong việc chia cắt Iraq, tạo điều kiện cho Tehran chi phối Baghdad, Moscow đã nhanh chóng kết nối với Baghdad và nâng tầm quan hệ với Tehran, cùng nhau làm nhạt nhoà yếu tố Mỹ ngày tại bàn cờ mà Washington tạo dựng.
Thật khó tin khi lực lượng chính trị được Mỹ tạo dựng quyền lực tại Iraq liên tiếp chỉ trích Washington là thế lực gây xung đột tại vùng đất nóng, đồng thời ca ngợi Nga là nhân tố giúp kiến tạo hòa bình cho cả khu vực Trung Đông.
Như vậy, cả bốn "cường quốc Trung Đông" đều nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga, mà trong đó có tới ba đồng minh chiến lược của Mỹ. Đây là một thực tế hết sức bất lợi cho các nước đi của Washington tại vùng đất nóng.
Tổng thống Putin đã vô hiệu hoá nhiều nước cờ của Washington tại Trung Đông
Trong các nguyên nhân khiến Tổng thống Trump xé bỏ Thoả thuận hạt nhân Iran, không thể phủ nhân có nguyên nhân là nước đi này mất tác hiệu với Washington khi Teharan đã tìm ra lá chắn từ Moscow.
Lá chắn Moscow khiến Washington không thể bẻ nanh Tehran
Nếu Washington thành công trong việc bẻ nanh Iran thì không chỉ là làm giảm mức độ nguy hiểm từ quốc gia Hồi giáo này, mà Washington còn sử dụng quân cờ đặc biệt này cho mưu đồ Mỹ, song điều đó đã trở nên quá xa vời bởi "yếu tố Nga".
Tổng thống Donald Trump phản đối thoả thuận hạt nhân với Iran không chỉ là nhẳm xoá bỏ di sản của người tiền nhiệm vì ông cảm thấy không phù hợp với quan điểm, mà thực ra ông Trump không còn nhìn thấy cơ hội khai thác lợi ích từ nước đi này.
Vì vậy, vị tổng thống doanh nhân xé bỏ thoả thuận hạt nhân Iran để không cho Moscow “ngư ông đắc lợi”, song điều này xem ra đã muộn. Bởi bất cứ hành động nào của Washington sau quyết định của Trump đều khiến "Mỹ mất, Nga được".
Trong khi đó, mục đích của Mỹ trong cả hai cuộc chiến tranh vùng vịnh đều được xác định là muốn đưa tộc người Kurd lên vũ đài chính trị, từ đó vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông theo ý đồ của Washington.
Người Kurd sinh sống tại “ngã tư biên giới” Iran – Iraq – Syria – Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những ưu điểm tuyệt đối cho chiến lược kiểm toả Trung Đông của Washington khi sử dụng quân cờ này.
Cấu trúc chính trị của Iraq thời hậu Saddam Hussein dành vị trí Nguyên thủ quốc gia cho đại diện người Kurd được cho là một trong những nước tiền trạm thành công của Washington.
Khi Mỹ tham gia hỗ trợ chính quyền Baghdad trong cuộc chiến chông IS được xem là nước đi “nhất cử lưỡng tiện” cho việc tiếp tục nâng cao vị thế của người Kurd tại bàn cờ chính trị tại Trung Đông.
Bởi qua việc tấn công IS tại Iraq, việc Mỹ có mặt tại Syria là tất yếu khi sào huyệt của IS nằm cả trên đất Iraq và Syria. Và Washington khích lệ người Kurd tại Syria tham gia vào cuộc chiến chống IS để từ đó hợp pháp hoá địa vị chính trị của họ.
Tham vọng dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị Trung Đông có nguy cơ trở thành nỗi thất vọng với Mỹ
Cũng từ đó sẽ dẫn tới việc thanh tẩy cho đảng Công nhân người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khi người Kurd tại Iraq, Syria và thổ Nhĩ Kỳ có địa vị chính trị thì chắc chắn người Kurd tại Iran sẽ được tạo vị thế trong đời sống chính trị tại quốc gia này.
Nếu các nước cờ đó hoàn tất thì một thế cờ mới, một bàn cờ mới của Washington tại Trung Đông sẽ chính thức thành hình. Tuy nhiên, nay thì cả Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran đều nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow.
Rõ ràng thực tế đã khiến nước cờ dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông đang dần bị vô hiệu.
Vỉ vậy, Tổng thống Trump phải tìm cách 'cày xới' Trung Đông để hy vọng những nước đi mới có thể đảm bảo lợi ích Mỹ tại vùng đất nóng.
Ngọc Việt - Baodatviet