Tổng thống Nga Putin không chấp nhận một thế giới đơn cực
Liệu tổng thống Nga Vladimir Putin có phải là lãnh đạo Nga nổi tiếng nhất mọi thời đại hay không?
Unz Review cho hay, trong một cuộc điều tra của Trung tâm nghiên cứu dư luận Nga, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Putin là 86%, cao gấp đôi so với tổng thống Mỹ Obama khi rời nhiệm sở vào cuối năm 2016. Và đáng ngạc nhiên hơn nữa là ông Putin vẫn được yêu mến dù nước Nga phải trải qua cơn suy thoái kinh tế và tình cảm này của người dân Nga đã kéo dài trong gần hai thập kỷ nắm quyền của Putin. Không giống như các chính trị gia thông thường khác chỉ nắm quyền từ 4 đến 8 năm, sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với nhà lãnh đạo Putin ngày càng mạnh mẽ hơn qua từng ngày.
Và hội chứng yêu mến Putin không chỉ diễn ra ở nước Nga. Theo một cuộc điều tra gần đây của YouGov, “Ông Putin là người đàn ông được ngưỡng mộ đứng thứ 3 ở Ai Cập, thứ 4 ở Trung Quốc, Ả Rập Xê út và Morocco, thứ 6 ở Đức, Pháp và Thụy Điển.” Và chưa kể đến Syria, nơi việc đặt tên con theo tên vị tổng thống Nga đang là mốt.
Ông Putin cũng trở thành Nhân vật của năm của tạp chí lừng danh Time vào năm 2007 và ông cũng luôn lọt top 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới của danh sách này trong suốt thập kỷ vừa qua. Nơi duy nhất Putin không nhận được nhiều sự ngưỡng vọng chính là Mỹ, nơi mà truyền thông luôn tô vẽ, bài bác ông là một “nhà độc tài” thời hiện đại. Theo cuộc điều tra của Gallup, chỉ có 22% người Mỹ có cái nhìn thiện cảm đối với Putin, trong khi 72% người dân có cái nhìn tiêu cực đối với vị tổng thống Nga.
Cái bắt tay này tại Hội nghị APEC ở Peru đã thể hiện rõ mối quan hệ căng thẳng và lạnh nhạt giữa Nga và Mỹ
Unz Review cho rằng chính sự công kích cá nhân của truyền thông nước Mỹ đã ảnh hưởng đến hình ảnh Putin trong mắt người dân nước này. Tuy nhiên nếu theo dõi sự nghiệp của Putin kể từ khi kế nhiệm ông Boris Yeltsin vào tháng 12/1999 đến nay, chúng ta sẽ có cái nhìn khác so với những gì phương Tây tô vẽ. Lời lý giải hợp lý nhất cho điều này là chính sách đối ngoại của Nga ở Ukraine và Syria đã đụng chạm đến Washington nên Washington đã hướng truyền thông nước này đi theo hướng bôi nhọ ông Putin.
Trước đây giới chức chính trị Mỹ yêu thích tổng thống Nga Yeltsin vì họ Yeltsin chỉ là một nhân vật biết vâng lời, tự dâng tài nguyên đất nước cho các tập đoàn phương Tây. Nhưng tổng thống Putin lại không như vậy. Ông đã xây dựng lại đất nước bằng cách quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu lửa, khẳng định quyền lực của mình đối với các đầu sỏ chính trị và khôi phục lại quyền lực của chính quyền trung ương.
Quan trọng hơn, ông Putin liên tục lên án các cuộc chiến tranh đơn phương của Mỹ trên toàn thế giới. Thực tế, tổng thống Nga là thủ lĩnh của phong trào phản kháng ngày càng lớn mạnh với mục tiêu chống lại các cuộc chiến thay đổi chế độ của Mỹ và tái xây dựng nền an ninh toàn cầu dựa trên nguyên tắc nền tảng về chủ quyền quốc gia. Ông Putin đã tổng kết về mục tiêu này như sau:
“Chúng tôi tin chắc rằng chủ quyền là khái niệm trung tâm của toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế. Sự tôn trọng đối với chủ quyền và việc củng cố chủ quyền sẽ giúp đảm bảo nền hòa bình và ổn định trên các cấp độ quốc gia và quốc tế. Đầu tiên, các nước đều phải có được nền an ninh công bằng và không bị chia rẽ.”
Đây là chủ đề quen thuộc của tổng thống Putin và đã một lần nữa lặp lại trong bản tuyên ngôn của ông ở hội nghị Munich năm 2007, bài phát biểu mà Unz Review cho rằng mọi quốc gia có chủ quyền đều phải đọc.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự khinh thị ngày càng lớn đối với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Và các quy phạm pháp luật đang ngày càng trở nên gần gũi hơn với hệ thống luật pháp của một quốc gia. Một quốc gia, trước hết là Mỹ, đã bước quá giới hạn quốc gia trên mọi phương diện. Điều đó có thể nhìn thấy trong các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục mà nước này áp đặt lên các nước khác. Ai là người mong muốn điều này?
Tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta phải quyết định, chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về kiến trúc an ninh toàn cầu. Và chúng ta phải tiến hành bằng cách tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa lợi ích của các bên trong đối thoại quốc tế.”
Bài diễn văn ở Munich của Putin diễn ra 4 năm sau khi nước Mỹ xâm lược Iraq, cuộc xâm lược mà ông Putin kịch liệt phản đối. Bài phát biểu này cho thấy sự chín chắn trong suy nghĩ của ông Putin, người không giống như các lãnh đạo khác, không dễ dàng đưa ra đánh giá hay kết luận vội vàng. Thay vào đó, ông dành thời gian để suy nghĩ và phân tích tình hình một cách cẩn thận và sau đó mới hành động. Một khi đã quyết định, ông hiếm khi thay đổi, Unz Review nhận định.
Tổng thống Putin và những cộng sự thân tín nhất đang chèo lái nước Nga qua giai đoạn khó khăn
Ông Putin kịch liệt phản đối một trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ đưa ra các chính sách độc đoán và các nước đi theo lá cờ của Mỹ. Điều này không phải là biểu hiện của chủ nghĩa chống Mỹ mà là chủ nghĩa thực dụng. Cuộc khủng hoảng kéo dài 16 năm ở Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á chỉ càng gây thêm khủng hoảng, bất ổn, khủng bố, làm gia tăng con số thương vong và thiệt hại nặng nề. Cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa giành được thắng lợi, chỉ có bạo lực vẫn kéo dài và ngày càng nhiều người thiệt mạng. Và trên hết là “chẳng ai cảm thấy an toàn cả”, ông Putin nhấn mạnh.
Theo Unz Review, đó là lý do vì sao ông Putin lại vạch ra lằn ranh ở Syria và Ukraine. Nga đã đưa quân đội và máy bay đến để ngăn chặn các hành động quá trớn của Mỹ. Một lần nữa phải khẳng định rằng Putin hành động như vậy không phải vì ghét Mỹ hay muốn đối đầu, mà là vì Nga muốn đáp trả lại sự ủng hộ của Mỹ đối với các nhóm khủng bố cực đoan. Đồng thời, Nga cũng tiếp tục chủ động tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cả hai cuộc khủng hoảng.
“Chỉ sau khi chấm dứt xung đột vũ trang và đảm bảo sự phát triển trong hòa bình trên mọi quốc gia, chúng ta mới có thể bàn về sự phát triển kinh tế và giải pháp cho các vấn đề xã hội, nhân đạo và các vấn đề quan trọng khác”,
“Cần phải tạo điều kiện cho lao động sáng tạo và sự phát triển kinh tế ở tốc độ chấm dứt mọi sự chia rẽ giàu- nghèo trên thế giới. Nguyên tắc của trò chơi là tạo cho các nền kinh tế đang phát triển cơ hội để đuổi kịp các nước phát triển. Chúng ta nên hành động để nâng cấp tốc độ phát triển kinh tế và thúc đẩy các nước lạc hậu để các nước đều có thể tiếp cận các phát triển về kinh tế và công nghệ. Đặc biệt, điều này sẽ giúp chấm dứt nghèo đói, một trong những vấn đề tệ nhất hiện nay”.
“Một ưu tiên khác là y tế toàn cầu. Mọi người trên thế giới, không chỉ những người giàu, đều có quyền có một cuộc sống khỏe mạnh, dài lâu và viên mãn. Đó là một mục tiêu cao quý. Tóm lại, chúng ta nên xây dựng các nền tảng cơ bản cho thế giới tương lai bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên đối với sự phát triển của con người”.
Trên đây là một phần nội dung bài diễn văn của tổng thống Putin tại cuộc hội thảo ở Câu lạc bộ quốc tế Valdai.
Đặng Phương Thảo - VietTimes