Trong 5 năm tới thiếu hụt vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tưTrong 5 năm tới thiếu hụt vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư

Những kết quả đạt được

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019, danh mục nợ trái phiếu chính phủ (TPCP) đã cải thiện theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm lãi suất bình quân, đa dạng cơ cấu NĐT, góp phần phát triển thị trường TPCP hoạt động an toàn, hiệu quả.

Cụ thể, về khối lượng phát hành, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ huy động khoảng 200 - 280 nghìn tỷ đồng TPCP/năm để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi, chi trả nợ gốc của NSNN theo dự toán được Quốc hội giao hàng năm; đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành TPCP, đồng thời tập trung phát hành kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao, từ năm 2017 đến nay, đạt khoảng 12 - 13 năm, trong đó 90% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên để tái cơ cấu danh mục nợ - mức cao nhất từ trước đến nay.

“Lãi suất phát hành TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN. Từ năm 2015 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm từ mức khoảng 6,5% - 8,0%/năm đối với các kỳ hạn 5 - 30 năm, xuống còn khoảng 3,15 - 5,35%/năm, trong đó kỳ hạn 10 - 30 năm đang có lãi suất thấp nhất từ trước đến nay”, Bộ Tài chính cho hay.

Đồng thời, cơ cấu NĐT trên thị trường tiếp tục được cải thiện, các tổ chức phi ngân hàng ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường. Đạt mục tiêu sớm trước 2 năm lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030.

Đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, đã chủ động rà soát, định kỳ công khai đầy đủ và kịp thời các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, điều kiện cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, khả năng vay nợ của chính quyền địa phương... làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án và các DN đề xuất dự án mới.

Chủ động xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công năm 2019 và chương trình quản lý nợ công 3 năm (giai đoạn 2019 – 2021) nhằm đánh giá toàn diện các yếu tố chi phí - rủi ro của danh mục nợ, giám sát chặt chẽ công tác huy động, sử dụng vốn vay nợ công theo kế hoạch và các hạn mức được duyệt.

Phía trước nhiều chông gai

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng cho biết, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so GDP tiếp tục giảm so với các năm trước. Xu hướng này, một phần phản ánh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn nước ngoài, rất chậm, làm hạn chế đóng góp cho tăng trưởng từ nguồn vốn vay; mặt khác, NSNN vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết và chưa giải ngân.

Bên cạnh đó, tuy quy mô danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2019 được kiểm soát tốt ở mức 49,2% GDP (so với mức 52,7% năm 2016, 50,0% năm 2018), cùng với ảnh hưởng của việc Việt Nam tốt nghiệp IDA kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.

Chẳng hạn, rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ, do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (10,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2020), tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho NSNN. Riêng đối với danh mục TPCP trong nước, nghĩa vụ trả nợ TPCP tập trung vào một số thời điểm trong năm và giữa các năm 2020 – 2021.

Dự kiến, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN năm 2020 khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, việc sử dụng quy mô GDP đánh giá lại để xác định các trần và ngưỡng an toàn nợ công trong giai đoạn 2021 - 2025 cho phù hợp cần được xem xét thận trọng để đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ thông qua chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN.

Vấn đề rủi ro lãi suất danh mục nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng, do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng (từ mức 8,8% dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2015 lên mức 11,4% năm 2019). Trong bối cảnh dự báo điều kiện thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khả năng cũng sẽ tăng lên tương ứng…

Bùi Quyền