Hàng năm, sinh vật ngoại lai (SVNL) xâm hại gây thiệt hại rất lớn tới nền kinh tế cũng như gây ra những hậu quả sinh thái lâu dài. Gần đây, ở Việt Nam, mức độ xâm lấn của SVNL ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nhận thức về tác hại của SVNL của đội ngũ cán bộ bảo vệ môi trường ở các cấp còn hạn chế.

Tổn thất về kinh tế hàng năm do SVNL xâm hại gây ra ở các nước khác nhau, biến động từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD mỗi năm. Theo tính toán, mỗi năm thế giới mất khoảng 400 tỷ USD chi phí phòng chống các loài SVNL xâm hại.

Hiểm họa từ sinh vật ngoại lai

Ở Việt Nam, các loài  SVNL xâm hại như ốc bươu vàng, cây mai dương, rùa tai đỏ, bèo Nhật Bản… đã gây ra nhiều tác hại cho các hệ thống thủy lợi, nông nghiệp, đa dạng sinh học, kinh tế. Các  nghiên  cứu  cho  thấy,  tất  cả  các  loài  SVNL được phát hiện ở Việt Nam đều là những loài đã  được  liệt  kê  trong  danh  sách "100 SVNL xâm lấn nguy hiểm trên thế giới".

Đơn cử, ốc bươu vàng được nhập khẩu vào nước ta khoảng 10 năm trước đây, đã nhanh chóng lan từ Đồng bằng sông Cửu Long ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, phá hại nghiêm trọng lúa và hoa màu của các địa phương. Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho công tác tiêu diệt ốc bươu vàng nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả mong muốn.

Gần đây nhất, vào khoảng giữa năm 2010, các nhà quản lý đã phát hiện ra loài rùa tai đỏ, một loài SVNL xâm hại nguy hiểm (có khả năng hủy hoại hệ sinh thái, gây bệnh thương hàn khi ăn thịt rùa chưa nấu chín), tại một số tỉnh như Vĩnh Long, Cần Thơ… thông qua con đường nhập khẩu từ Mỹ.

Để ngăn chặn phát tán rùa tai đỏ, Bộ NN&PTNT đã phải chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành giết mổ toàn bộ lô rùa tai đỏ với số lượng 18.330 con (tương đương 26.850 kg) dưới sự giám sát chặt chẽ của các ban, ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ, đảm bảo đúng quy định và không để phát tán ra môi trường tự nhiên gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Cán bộ quản lý thiếu kiến thức

Ông Mai Hồng Quân, cán bộ Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, mặc dù là cơ quan quản lý nhưng theo kết quả điều tra, đánh giá về trình độ hiểu biết của cán bộ quản lý cấp Trung ương về quản lý SVNL cho thấy có tới 33% số cán bộ trả lời sai và 7,1% số lượng cán bộ quản lý cấp Trung ương chưa nắm được quy định của Luật Đa dạng sinh học về quản lý SVNL. Con số này ở cấp địa phương là hơn 60%.

Ngoài ra, hơn 80% số cán bộ chưa từng tham gia các cuộc họp, hội thảo; hơn 95% số cán bộ chưa tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu về SVNL. Hơn 90% số cán bộ nhận định cơ quan nơi họ làm việc chưa có đủ năng lực để quản lý SVNL xâm hại.

Cũng theo ông Quân, hiện có khoảng 60% cán bộ của các sở TN&MT, các chi cục hải quan không nhận biết được loài trinh nữ thân gỗ là SVNL xâm hại. Từ 60 - 90% số cán bộ của các sở và vườn quốc gia không nhận diện được cây ngũ sắc là SVNL… Vẫn còn nhiều cán bộ quản lý cấp địa phương chưa hiểu một cách đầy đủ và toàn diện về con đường du nhập, mục đích nhập khẩu cũng như tác hại của SVNL.

Để giảm thiểu những tác động bất lợi của SVNL xâm hại, các chuyên gia nghiên cứu về SVNL cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tăng cường năng lực quản lý SVNL xâm hại, cần phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn về SVNL từ cấp Trung ương đến địa phương và nâng cao nhận thức về SVNL cho cán bộ địa phương cũng như cộng đồng.

Còn theo GS. TS. Mai Đình Yên, Phó chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, điều quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập về SVNL. Sau đó là phải quản lý tốt. Nếu nhập khẩu mà không có căn cứ khoa học nghiên cứu cụ thể, thì SVNL hoàn toàn có nguy cơ xâm hại. “Cây nào, con nào không tốt, ta hủy bỏ không làm ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học”, GS. Yên nhấn mạnh.

Tuyết Hoa